Bộ Công an chỉ rõ lý do phát sinh liên tục các vụ cháy nghiêm trọng

12/09/2022 10:28 GMT+7

Theo Bộ Công an, nhiều bộ, ngành, địa phương chậm triển khai các quyết định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Chính phủ. Nhận thức phòng cháy của lãnh đạo một số đơn vị, chủ cơ sở và người dân hạn chế, còn phó mặc.

Báo cáo Chính phủ tại hội nghị trực tuyến về PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC sáng nay 11.9, Bộ Công an cho biết nhiều vụ cháy đã xảy ra, trong đó có những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, báo cáo đánh giá công tác PCCC

nhật bắc

Đáng chú ý, theo Bộ Công an, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và 1492 của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Đơn cử như Bộ Xây dựng chưa nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống thiết bị điện phù hợp; Bộ Công thương chưa có kết quả cụ thể về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình...

Có 11 địa phương chưa công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát, gồm: Hải Phòng, Bình Phước, Kon Tum, Lạng Sơn, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Ninh Bình, Trà Vinh, Lai Châu, Hà Giang (Chính phủ yêu cầu phải thực hiện từ năm 2020).

Ở T.Ư, đến nay mới chỉ có 3 bộ: Công an, GTVT, Tư pháp và 40 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 83.

Công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC và cứu nạn cứu hộ do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức. Việc đầu tư ngân sách hoạt động PCCC và CNCH mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu.

Làm sao để sống sót trong một vụ cháy quán karaoke

Theo Bộ Công an, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, chủ cơ sở và một bộ phận không nhỏ người dân vẫn hạn chế, có biểu hiện phó mặc cho các lực lượng chuyên trách... Đặc biệt, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng trong quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ.

Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm dừng hoạt động khiến nhiều trang thiết bị, nhất là thiết bị điện hư hỏng. Vì thế, khi các cơ sở này hoạt động tích cực trở lại, nhiều sự cố phát sinh do bất cẩn khi cải tạo, sửa chữa, nhất là việc hàn, cắt kim loại.

Ngoài ra, việc lắp đặt các biển quảng cáo không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn PCCC cũng là một trong các nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy hiện nay.

Để khắc phục, Bộ Công an đề nghị các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC phải xác định quan điểm “lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống”.

Xử hình sự các vụ cháy hậu quả nghiêm trọng

Đối với công tác chữa cháy phải xác định “thời điểm vàng” để chữa cháy, không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị PCCC trong bối cảnh liên tiếp các vụ cháy nghiêm trọng diễn ra

nhật bắc

Đặc biệt, UBND các địa phương có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, thủ trưởng đơn vị có chức năng quản lý về PCCC nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC.

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về PCCC cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát...

Hơn 45% vụ cháy do chập điện

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính 7.043 tỉ đồng và 7.548 ha rừng.

Ngoài ra, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỉ đồng.

Phân tích tình hình cháy: về địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (chiếm 60,37%). Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm hơn 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.