Bộ Công an: ‘Đã nhận diện nhóm người nước ngoài thường phạm tội khi vào Việt Nam’

16/12/2019 18:52 GMT+7

Đại tá Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), khẳng định quá trình quản lý, Bộ Công an đã nhận diện nhóm đối tượng người nước ngoài nào vào thường có vi phạm và có biện pháp ngăn chặn.

Chiều 16.12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV, trong đó có luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thanh Niên nêu câu hỏi về việc trong tình hình tội phạm người nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng theo hướng nghiêm trọng nhưng luật vừa thông qua lại có nhiều quy định nới lỏng hơn so với luật cũ trong việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, và đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích thêm về vấn đề này.
Đại tá Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, khẳng định theo chỉ đạo chung thì trong yêu cầu phát triển kinh tế lúc này không thể không thông thoáng nhằm thu hút người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.
“Theo số liệu của chúng tôi, năm nay (2019) có khoảng trên dưới 18 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam, trung bình mỗi năm tăng hơn 2 triệu. Đây là thông tin rất đáng mừng”, ông Dự cho hay.
Liên quan trực tiếp tới câu hỏi, theo đại tá Dự, qua quá trình công tác quản lý, cơ quan công an cũng đã nhận diện ra nhóm đối tượng người nước ngoài nào vào thường có vi phạm.
“Chính vì vậy, trong luật sửa đổi lần này cũng quy định thị thực du lịch trên 30 ngày thì chỉ cấp tạm trú 30 ngày là có ý cả”, ông Dự giải thích.

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8

Ảnh Hải Ninh

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hiện nay, thị thực du lịch có thời hạn lên tới 3 tháng và khi vào Việt Nam sẽ được ở tới 90 ngày. “Chính nhóm này là nhóm hoạt động tội phạm công nghệ, lao động chui. Giờ thì giờ ta chỉ cho tạm trú 1 tháng”, ông Dự nói, đồng thời khẳng định, quy định này cũng không làm ảnh hưởng tới việc thu hút người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.
Phóng viên Thanh Niên tiếp tục đặt câu hỏi đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết, nhóm đối tượng nước ngoài đã nhận diện được thường xuyên có hành vi vi phạm, phạm tội tại Việt Nam là nhóm đối tượng nào?
“Xin phép cái này là tương đối nhạy cảm và cũng là nghiệp vụ. Chúng tôi không thể đưa ra nhóm nào thì nó lại đối phó với mình nên cũng không thể đưa lên phương tiện thông tin đại chúng được”, đại tá Dự trả lời.
Liên quan tới câu hỏi về quy định miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, ông Dự cũng khẳng định “cái này cũng đã tính”.
Cụ thể, theo ông Dự, việc miễn thị thực đã được thí điểm từ năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do thời gian qua, luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt có những nhạy cảm do đó phải dùng các cụm từ kỹ thuật trong luật để linh hoạt trong quá trình vận dụng.
“Ví dụ, điều kiện khu kinh tế ven biển thực chất là điều kiện của đảo Phú Quốc nhưng chúng ta quy định như vậy là linh hoạt và giao cho Chính phủ quy định chi tiết ở chỗ đấy”, ông Dự thông tin thêm.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên 100 tỉ được tạm trú tới 10 năm
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều so với luật trước đó với khá nhiều điểm mới trong chính sách cấp thị thực, quản lý người nước ngoài vào Việt Nam.
Cụ thể, luật quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam
Theo giải thích của trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, tại họp báo chiều 16.12, quy định trên nhằm tiếp tục thực hiện việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, Kiên Giang theo Quyết định số 80 từ năm 2013 của Thủ tướng.
Ngoài ra, đạo luật vừa thông qua cũng bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.
Sửa đổi thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, thay vì cấp một loại thị thực thẻ tạm trú với thời hạn 5 năm thì quy định theo từng mức vốn góp. Cụ thể, nhà đầu tư có vốn góp giá trị dưới 3 tỉ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá 1 năm, còn nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.