Bộ Công an đang xây dựng dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những chính sách được bộ này đề xuất, đó là hoàn thiện các quy định về mô hình cơ sở giam giữ.
Còn tình trạng phạm nhân bỏ trốn
Theo Bộ Công an, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý giam giữ dù đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Các cơ sở giam giữ chưa được trang bị các công nghệ kiểm soát an ninh, soi chiếu; thiếu hệ thống kiểm soát người ra vào ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và tích hợp các thông tin từ giấy tờ cá nhân; thiếu hệ thống trung tâm chỉ huy để tập trung chỉ đạo, điều hành, quản lý thống nhất…
Hoạt động thu thập thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cơ sở giam giữ còn hạn chế, thủ công, chưa kịp thời, thiếu hiệu quả; các thông tin thiếu tính liên thông, đồng bộ.
Đặc biệt, hệ thống camera giám sát tại các cơ sở giam giữ đã được đầu tư, trang bị bao gồm hơn 4.000 camera nhưng có 1.000 camera đã hỏng, không ghi hình được.
Bộ Công an nhận định, việc thiếu các hệ thống, trang bị kiểm soát an ninh, soi chiếu tạo ra nhiều lỗ hổng về an ninh để phạm nhân và thân nhân lợi dụng đưa vật cấm vào cơ sở giam giữ.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 6.2024, tại các cơ sở giam giữ phạm nhân trong lực lượng công an đã xảy ra 159 vụ, 204 phạm nhân trốn; 198 đối tượng chết do tự sát, 17 đối tượng chết do bị đánh. Các cơ sở giam giữ phạm nhân thuộc Bộ Quốc phòng đã xảy ra 4 trường hợp phạm nhân trốn, 4 trường hợp chết do bệnh lý, 2 trường hợp chết do tự sát…
Chưa kể, hệ thống camera cũ, không được kết nối đồng bộ và liên thông thành hệ thống nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý, tổng hợp, hiển thị, trích xuất thông tin, số liệu, hình ảnh theo thời gian thực.
Việc thiếu thiết bị phát hiện và cảnh báo các thiết bị bay không người lái cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn đối với các cơ sở giam giữ phạm nhân, đặc biệt là trong bối cảnh các loại thiết bị bay không người lái được sản xuất dễ dàng và mua bán tương đối phổ biến trên thị trường như hiện nay…
Nâng cấp đồng bộ mô hình cơ sở giam giữ
Để khắc phục hạn chế như đã nêu, Bộ Công an đề xuất bổ sung các quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác thi hành án hình sự.
Đồng thời bổ sung quy định về mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, trong đó quy định cụ thể về các thành phần trung tâm chỉ huy, điều hành; trung tâm giám sát an ninh; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự; phòng xét xử trực tuyến…
Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong xây dựng, triển khai mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, xây dựng mẫu thiết kế mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho công trình thuộc mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý thi hành án hình sự.
Bộ Công an đánh giá, thực hiện chính sách như đề xuất sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cơ sở giam giữ phạm nhân, giảm các chi phí để khắc phục hậu quả việc mất an ninh, an toàn tại các cơ sở giam giữ...
Tuy vậy, giải pháp này sẽ làm phát sinh chi phí triển khai xây dựng, nâng cấp đồng bộ mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, gồm: xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị máy móc, chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống, trung tâm chỉ huy, điều hành… Dự kiến mức chi phí là 1.000 tỉ đồng.
Bộ Công an tính toán, việc triển khai xây dựng, nâng cấp theo lộ trình 5 -10 năm, với từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở tối ưu hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện nay của từng cơ sở giam giữ phạm nhân.
Do đó, nguồn kinh phí bảo đảm cơ bản sẽ được cân đối một phần trong ngân sách cấp cho lực lượng công an, nguồn kinh phí khác và một phần ngân sách bổ sung mới.
Bình luận (0)