Bộ Công an đề xuất thu thập số điện thoại vào cơ sở dữ liệu dân cư

24/10/2023 10:22 GMT+7

Bộ Công an đề xuất thu thập, cập nhật thông tin về nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử… vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an đang chủ trì xây dựng luật Căn cước nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực.

Theo quy định hiện hành, có 15 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân...

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất tăng lên 26 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số nhóm thông tin mới gồm: số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử…

Bộ Công an đề xuất thu thập số điện thoại vào cơ sở dữ liệu dân cư - Ảnh 1.

Lực lượng công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân

PHÚC BÌNH

Bộ Công an cho biết, các thông tin được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh… Các thông tin này dùng để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.

Nhóm thứ hai là các thông tin còn lại, gồm nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án số 06. Công dân có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và được bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại.

Bộ Công an đề xuất thu thập số điện thoại vào cơ sở dữ liệu dân cư

Bảo đảm an toàn thông tin

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc thu thập dữ liệu thông tin là nhóm máu và số điện thoại di động. Liệu có xảy ra lộ lọt hay không, nhất là trong bối cảnh an toàn dữ liệu thông tin đang còn nhiều vấn đề như hiện nay?

Bộ Công an cho biết, thông tin về nhóm máu nhằm phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế…

Tương tự, thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử là để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân (giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh…); thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước.

Cũng theo Bộ Công an, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, được quản lý, giám sát bởi đội ngũ cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước, được kết nối, chia sẻ, phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng thông tin tới toàn bộ các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Việc truy xuất thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nhanh chóng, thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin.

Bộ Công an nhấn mạnh sự quan trọng của việc thu nhập, cập nhật các trường thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không lưu trữ theo phương thức này mà truy xuất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ không bảo đảm hiệu quả về kinh tế, bởi Nhà nước phải tốn nhiều chi phí để đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu khác đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ, khai thác, bảo mật. Cùng với đó, sẽ không bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong việc thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin của người dân; có tình trạng thông tin của một người dân trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành là không thống nhất.

Xem nhanh 12h ngày 24.10: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.