Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm thay thế luật PCCC năm 2001 (sửa đổi năm 2013).
Theo hồ sơ thẩm định được công bố, Bộ Công an đề xuất hàng loạt quy định mới liên quan đến lĩnh vực PCCC; với kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế tồn tại bấy lâu nay.
Nhiều nơi khoán trắng cho cảnh sát PCCC
Bộ Công an cho biết, trong 10 năm qua, toàn quốc xảy ra 29.596 vụ cháy, làm chết 860 người, bị thương 1.662 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 13.349 tỉ đồng và hàng chục ngàn ha rừng.
Trong số trên, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm đến 45,5%; do bất cẩn chiếm 26,1%; do vi phạm quy định PCCC chiếm 1,7%...
Vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết: Tòa nhà xây dựng sai phép
Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà dân (chiếm 34,3%), tiếp theo là cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; cháy chung cư; cháy quán bar, karaoke…
Thiệt hại do cháy gây ra là vô cùng lớn, như theo Bộ Công an, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa quan tâm thường xuyên đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nhất là UBND các cấp, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình.
"Có tình trạng khoán trắng cho lực lượng cảnh sát PCCC, nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng ban đầu, còn công tác quản lý, tự kiểm tra an toàn PCCC thì chưa quan tâm", Bộ Công an dẫn chứng.
Số liệu cũng cho thấy, cả nước còn 4.298 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu PCCC.
Thời gian qua, những vụ cháy gây thiệt hại về người tại nhà ở hộ gia đình luôn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là do các điều kiện về an toàn điện, ngăn cháy, thoát nạn chưa bảo đảm.
Một hạn chế nữa, đó là chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị thiết kế, thi công, giám sát công trình về PCCC.
Phải đưa quy hoạch PCCC vào quy hoạch đô thị
Để giải quyết thực trạng đã nêu, Bộ Công an đưa ra nhiều quy định chi tiết về trách nhiệm trong lĩnh vực PCCC đối với từng tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ví dụ, chính quyền địa phương các cấp phải đưa quy hoạch hạ tầng PCCC vào quy hoạch đô thị, nông thôn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Việc lập dự án, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có giải pháp, thiết kế về PCCC, gồm: địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn; hệ thống thoát nạn; thiết bị, hệ thống kỹ thuật an toàn về PCCC…
Hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế về nội dung thiết bị, hệ thống kỹ thuật an toàn về PCCC trước khi xin ý kiến cơ quan cảnh sát PCCC.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu các hạng mục liên quan về PCCC. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu.
Bộ Công an nhấn mạnh, việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan cảnh sát PCCC không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác giám sát và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia thi công hệ thống PCCC đối với phần việc do mình thực hiện.
Xem nhanh 20h ngày 13.9: Lời kể những người thoát chết vụ cháy chung cư mini thảm khốc ở Hà Nội
Dự thảo còn đề xuất chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về PCCC; chỉ được thi công khi thiết kế đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy; có biện pháp phòng cháy, phương án thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ.
Nhà để ở kết hợp kinh doanh ngoài các yêu cầu nêu trên phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực sinh hoạt với khu vực kinh doanh; có lối thoát khẩn cấp thứ hai…
Bình luận (0)