Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo thông tư quy định về mẫu hộ chiếu, mẫu giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
Theo lý giải từ cơ quan soạn thảo, việc xây dựng thông tư mới nhằm phù hợp với quy định tại dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến được Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Nếu được ban hành, thông tư mới của Bộ Công an sẽ thay thế Thông tư 68/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 73/2021, cũng của bộ này, quy định về cùng nội dung. Đồng nghĩa, từ năm 2021 đến nay, đây là lần thứ 3 Bộ Công an xây dựng thông tư để quy định các vấn đề liên quan đến hộ chiếu, giấy thông hành.
Trong dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến, mẫu hộ chiếu cơ bản giữ nguyên như mẫu hộ chiếu hiện hành.
Quy cách, kỹ thuật chung của hộ chiếu như sau: mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chip điện tử có biểu tượng chip điện tử; hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng; ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh; số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm; chip điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chip điện tử…
Quy cách, kỹ thuật chung của mẫu giấy thông hành như sau: mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên giấy thông hành; ngôn ngữ sử dụng trong giấy thông hành: tiếng Việt và tiếng Campuchia đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia; tiếng Việt và tiếng Lào đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào; tiếng Việt và tiếng Trung Quốc đối với giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; số trang trong giấy thông hành không kể trang bìa: 16 trang đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia và giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào, 28 trang đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc…
Dự thảo thông tư cũng đề xuất ban hành các biểu mẫu đề nghị cấp, khôi phục giá trị sử dụng, trình báo mất hộ chiếu phổ thông: tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước dành cho người trên 14 tuổi (mẫu TK01); tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước dành cho trẻ em dưới 14 tuổi (mẫu TK01a); tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài (mẫu TK02); tờ khai đề nghị xác nhận nhân thân cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bị mất hộ chiếu (mẫu TK03); tờ khai đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (mẫu TK04); đơn trình báo mất hộ chiếu phổ thông (mẫu TK05).
Cùng với đó là biểu mẫu dùng cho cơ quan có liên quan: văn bản thông báo về việc tiếp nhận đơn báo mất hộ chiếu phổ thông (mẫu VB01); văn bản của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề nghị xác minh nhân thân để cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam (mẫu VB02); văn bản thông báo về việc giải quyết đơn trình báo mất hộ chiếu (mẫu VB03).
Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ, hộ chiếu được cấp trước ngày 1.1 theo các mẫu đã ban hành trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 31.5
Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ này đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến công tác cấp hộ chiếu phổ thông cho người Việt Nam, trong đó có việc bổ sung "nơi sinh" vào hộ chiếu.
Thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh sẽ gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất, nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số CMND; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Bình luận (0)