Bộ Công an nêu 4 vấn đề cần thiết sửa đổi luật Quản lý vũ khí

12/05/2024 10:41 GMT+7

Theo Bộ Công an, việc sửa đổi luật Quản lý vũ khí sẽ phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả phòng chống, đấu tranh với tội phạm.

Kỳ họp thứ 7 khóa XV tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận để thông qua dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi (viết tắt là luật Quản lý vũ khí), thay thế luật hiện hành đã có hiệu lực từ năm 2017.

"Sửa đổi luật là cần thiết"

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Phòng 3) thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, cho biết các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc đạt nhiều kết quả, song qua 6 năm triển khai luật Quản lý vũ khí năm 2017 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, khó khăn và vướng mắc, cần thiết phải sửa đổi luật này.

Bộ Công an nêu 4 vấn đề cần thiết sửa đổi luật Quản lý vũ khí- Ảnh 1.

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng 3, C06 Bộ Công an

TRẦN CƯỜNG

Là người trực tiếp soạn thảo dự án luật Quản lý vũ khí sửa đổi, đại tá Hùng, cho biết việc sửa đổi luật này nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành luật. Đồng thời đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm.

Theo đại tá Hùng, dự thảo luật sửa đổi lần này có nhiều điểm nổi bật, trong đó hoàn thiện quy định các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo tính khái quát, phù hợp với các luật có liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Bộ Công an đề xuất dao sẽ là vũ khí quân dụng nếu dùng để xâm phạm tính mạng con người

Dẫn chứng tổng kết 5 năm thi hành luật Quản lý vũ khí, đại tá Hùng cho biết tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số 34.109 vụ, 56.027 đối tượng bị bắt giữ thì tội phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là 28.715 vụ, 48.987 đối tượng.

Trong đó, tội phạm sử dụng súng tự chế, dùng dao và các phương tiện tương tự dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao. Do đó, đại tá Hùng cho rằng cần thiết phải đưa các loại súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng đảm bảo khái quát, đầy đủ và bổ sung dao vào nhóm vũ khí thô sơ để siết chặt quản lý, ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm.

Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Điểm nổi bật tiếp theo, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ nhằm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, viện trợ.

"Thực tế hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước. Tuy nhiên, luật hiện hành quy định nghiêm cấm cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ", đại tá Hùng cho hay.

Điểm nhấn thứ 3, dự thảo luật đã sửa đổi, cắt giảm đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ, quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không có thời hạn, việc chuyển giấy xác nhận đăng ký sang giấy phép sử dụng nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, thực hiện được yêu cầu của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và Chính phủ điện tử.

Cuối cùng, đại tá Hùng cho hay, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc, do đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân", đại tá Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.