Bộ Công an: Nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc nghe lén điện thoại

03/05/2024 10:40 GMT+7

Bộ Công an cho biết, nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Nghị định này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Tấn công mạng, lộ lọt thông tin ngày càng phức tạp

Theo Bộ Công an, hệ thống mạng thông tin Việt Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động tấn công mạng, một số vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, để lại hậu quả lớn. Tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Bộ Công an cho biết, tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng

Bộ Công an cho biết, tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng

TUYẾN PHAN

Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy, có 455 mạng xã hội trong nước được cấp phép hoạt động. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký "ẩn danh", máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.

Bộ Công an cũng phân tích, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn.

Bộ Công an: Nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc nghe lén điện thoại

Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục "nhà cái" ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web, tên miền, số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày.

Cạnh đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam; gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng.

Hoạt động "tín dụng đen" trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng - P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.

Vẫn theo Bộ Công an, tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao chủ yếu là công dân nước ngoài đang dịch chuyển mạnh địa bàn hoạt động sang Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch, vùng ven biển có vị trí chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Bộ Công an cũng nhận định, nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng

Bộ Công an cũng nhận định, nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng

ẢNH MINH HỌA

Nhiều bất cập trong việc xử phạt

Thực tiễn phức tạp là vậy, nhưng theo Bộ Công an, các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng chưa được xác định cụ thể; nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau, một số hành vi chưa có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết nên chưa có cách hiểu thống nhất, dẫn đến vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn.

Chưa kể, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.

Đáng lo ngại, với mức độ lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên không gian mạng, nếu không áp dụng mức phạt tối đa đối với một số hành vi vi phạm về an ninh mạng sẽ không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Hiện nay, 2 hình thức xử phạt chính được áp dụng là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, với đặc thù của an ninh mạng, cần áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với an ninh mạng như: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, buộc đính chính, buộc xin lỗi, buộc kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lại, buộc cải chính kết quả kiểm tra, đánh giá, chứng nhận.

Bộ Công an cũng nhận định, đây là lĩnh vực mới, được quy định cụ thể trong luật An ninh mạng. Do đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.