Xâm hại trên mạng để lại hậu quả lớn hơn nhiều
Chia sẻ tại hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em tổ chức sáng 13.1, ông Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, nêu quan điểm: quyền tiếp cận, tiếp xúc của trẻ em với internet là quyền lợi chính đáng. Do đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chính là làm cho môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để khi trẻ em tiếp cận thì hưởng lợi ích nhiều mà tác động tiêu cực ít.
Ông Trường cho biết, trong 3 năm vừa qua, cơ quan chức năng chỉ phát hiện, xử lý 156 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, liên quan tới 167 đối tượng, 155 nạn nhân.
“Đây là con số rất ít so với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, số liệu này cũng không phản ánh thực tế, vì bản chất tội phạm mạng là tội phạm ẩn, rất khó phát hiện”, ông Trường phân tích.
Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng khẳng định, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các vụ xâm hại thông thường.
Khi một trẻ em bị xâm hại ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến nhưng một khi đã ở trên môi trường mạng hoặc bị đưa lên môi trường mạng thì hậu quả rất lớn. “Hình ảnh đó có thể theo các em suốt cả cuộc đời này, thậm chí cả thế hệ sau nữa”, ông Trường nêu.
Dẫn ví dụ vụ việc một số đối tượng Trung Quốc vào Đà Nẵng, dụ dỗ thuê các bé gái dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi dâm ô, quan hệ tình dục, rồi quay video, livetream về Trung Quốc cho khán giả người Trung Quốc xem, ông Trường khẳng định, hậu quả để lại trong những vụ việc như thế này rất lớn, vì cùng lúc có hàng triệu người xem, ghi lại và có thể phát tán.
Chặn, lọc thông tin để phòng ngừa
Theo ông Trường, ở nhiều nước, họ tiến hành chặn các trang web xấu độc như một biện pháp phòng ngừa. Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự và Cục Công nghệ cao cũng đã chặn các website đánh bạc, cá độ trên mạng. Từ đó, ông Trường đề xuất Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông có thể phối hợp để chặn các website xấu độc, có hình ảnh khiêu dâm, đồng thời phải có nhân lực để làm công việc này thường xuyên, liên tục.
Cùng với giải pháp chặn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, việc “lọc” nội dung, thông tin cũng là biện pháp giúp các cơ quan chức năng tìm ra tội phạm.
Ông Trường cho hay, Bộ Công an từng nhận được cảnh báo của chính Bộ An ninh nội địa Mỹ phát hiện người Việt Nam bị xâm hại chứ không phải từ cơ quan phòng chống tội phạm mạng của Bộ Thông tin - Truyền thông.
“Bộ An ninh Nội địa Mỹ họ thông báo cho biết có hình ảnh một bé gái bị xâm hại nghi là người Việt Nam phát tán từ một địa chỉ IP tại Việt Nam, nghi hiện trường này xảy ra ở Việt Nam đề nghị cơ quan công an Việt Nam điều tra”, ông Trường kể.
Theo ông Trường, sau khi tiếp cận hình ảnh từ Bộ An ninh nội địa Mỹ thì cơ quan công an qua nhà mạng xác định được khu vực, tìm ra được cháu bé là nạn nhân bị đưa lên mạng.
“Khi trinh sát thì phát hiện hiện trường, tức là hình ảnh đó là nhà tắm, giường nhà cháu. Rồi tất cả hình ảnh đó khớp với hình ảnh trên mạng và xác định chính cháu bé này là cháu bé bị xâm hại”, ông Trường nói.
Tiếp đó, theo dõi mạng xã hội của đối tượng đưa hình ảnh lên mạng thì cơ quan công an phát hiện ra nghề nghiệp của đối tượng liên quan tới sân bay Tân Sơn Nhất.
“Rà soát đối tượng ở sân bay Tân Sơn Nhất và ở khu vực đó thì phát hiện ra đối tượng. Tuy nhiên, khi bắt giữ đối tượng thì đối tượng này lại là anh con bác của nạn nhân”, ông Trường nói.
“Khi biết sự việc thì gia đình rất sốc. Vì nếu không ngăn chặn kịp thời thì 100% sẽ xảy ra hậu quả đến mức quan hệ tình dục chứ những hình ảnh đưa lên mạng mới chỉ dừng lại ở hành vi dâm ô”, ông Trường nói thêm và khẳng định, những ví dụ này cho thấy, lọc thông tin là một giải pháp rất hữu hiệu, chỉ là chúng ta có quyết tâm làm hay không.
Theo thông tin từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), hiện nay Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng.
|
Bình luận (0)