Triển khai hóa đơn điện tử không chặn được mua bán hóa đơn
Bộ Tài chính vừa phát đi thông tin làm rõ nhiều nội dung liên quan tình trạng mua bán hóa đơn. Theo đó, thời gian qua, một bộ phận người nộp thuế (NNT) lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính.
Cạnh đó, một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật chưa cao đã tham gia hoạt động mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước, tăng số thuế GTGT được hoàn.
Sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước...
Bộ Tài chính nhấn mạnh, từ khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế đã có và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra cùng các thông tin khác của NNT để xây dựng công cụ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ phân loại, nhận diện NNT có rủi ro về thuế, hóa đơn, kịp thời đưa ra cảnh báo để có biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Với sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác, nhiều vụ việc mua bán hóa đơn đã được triệt phá. Qua đó giúp mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật và chế tài xử lý đối với từng hành vi để NNT biết, tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn.
Cạnh đó, công khai thông tin cá nhân, doanh nghiệp có hành vi mua bán hóa đơn để nêu gương góp phần "cảnh tỉnh" các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Liên quan áp dụng hóa đơn điện tử, trong bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán; luật Kế toán; luật Kiểm toán độc lập; luật Ngân sách nhà nước; luật Quản lý, sử dụng tài sản công; luật Quản lý thuế; luật Dự trữ quốc gia của Bộ Tài chính ngày 28.8 vừa qua, Bộ Tài chính cũng nêu khía cạnh khác liên quan.
Theo quy định của luật Quản lý thuế, NNT phải có trách nhiệm tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm về việc kê khai, nộp thuế của mình theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế sẽ thực hiện hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Mặc dù hiện nay đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều vụ việc mua bán hóa đơn với số tiền thuế lớn vẫn bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua.
"Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử không thể ngăn chặn được việc gian lận, mua bán hóa đơn của doanh nghiệp vì hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu có thật hay không cơ quan thuế không thể xác định được nếu chưa kiểm tra, xác minh mặc dù doanh nghiệp đã gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Xử nghiêm các trường hợp vi phạm
Thời gian qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế địa phương thực hiện rà soát, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp qua các kênh thông tin như: thu thập thông tin dữ liệu về tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp do đơn vị mình đang quản lý; thông tin về NNT từ các cơ quan khác.
Thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát ngân hàng; thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác…); đơn thư tố cáo; phương tiện thông tin truyền thông.
Cạnh đó, tổ chức nhận diện lập danh sách các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của các đối tượng này theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế đã ban hành. Tổ chức giám sát chặt chẽ đối với NNT có rủi ro cao về hóa đơn...
Quan điểm của ngành thuế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động phối hợp với cơ quan điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với NNT có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán; luật Kế toán; luật Kiểm toán độc lập; luật Ngân sách nhà nước; luật Quản lý, sử dụng tài sản công; luật Quản lý thuế; luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 luật Quản lý thuế như sau: "Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế".
"Công chức thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của người nộp thuế".
Bình luận (0)