Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm thay thế cho luật PCCC năm 2001 (sửa đổi năm 2013) đang có hiệu lực.
Nhiều nơi khoán trắng công tác PCCC cho công an
Bộ Công an cho biết, những năm qua xuất hiện nhiều loại hình cơ sở mới, phức hợp, đa năng, lưỡng dụng..., dẫn đến khó có tiêu chí cụ thể về tên gọi nếu căn cứ theo luật PCCC. Ví dụ, nhà ở riêng lẻ biến tướng thành nhà ở nhiều căn hộ để bán, cho thuê hoặc cơ sở kinh doanh karaoke, nơi tập trung đông người…
Các loại hình cơ sở này thường xuyên thay đổi, phát sinh mới nên dễ dẫn đến bỏ lọt địa bàn, cơ sở quản lý.
Cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây không phép, trái phép, sai phép khá phổ biến ở nhiều nơi, gây khó khăn trong công tác quản lý và áp dụng các biện pháp quản lý, nhất là với các công trình đã xây xong, người đã vào ở.
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Khởi tố thêm 6 cựu cán bộ, lãnh đạo
Bộ Công an cũng nhận định, mặc dù đã có quy định phân công cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, nhưng còn chưa cụ thể và đầy đủ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp với Bộ Công an.
Luật PCCC hiện hành chỉ quy định chung một điều đối với UBND các cấp và cùng tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ giống nhau; khó xác định cụ thể trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về PCCC; dẫn đến tình trạng khoán trắng công tác PCCC cho lực lượng công an.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo dẫn số liệu toàn quốc hiện có 39.536 cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC, khó hoặc không có khả năng khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do việc buông lỏng quản lý trong hoạt động cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.
Nhiều trường hợp khó thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm như tạm đình chỉ, đình chỉ, nhất là đối với các công trình dân sinh, người dân đã vào ở, không thể thực hiện các biện pháp cưỡng chế; khó xác định trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc.
"Điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều căn hộ tại P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết", Bộ Công an nhấn mạnh.
Phân công trách nhiệm từng bộ, từng cấp
Từ những bất cập đã nêu, Bộ Công an đề xuất xây dựng luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo hướng quy định bao quát, cụ thể các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.
Đồng thời, điều chỉnh các quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng hoặc bổ sung các nội dung mới để đảm bảo thực thi quy định về hoạt động PCCC như: điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư, các công trình đặc thù; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong trường hợp phát sinh nguy cơ cháy, nổ hoặc các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về PCCC…
Dự thảo luật còn bổ sung các quy định về phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý về PCCC theo hướng Bộ Xây dựng xem xét các giải pháp liên quan đến thoát nạn, ngăn cháy, bậc chịu lửa; Bộ Công thương xem xét giải pháp công nghệ sản xuất; Bộ GTVT xem xét giải pháp đường giao thông chữa cháy; Bộ Công an xem xét các giải pháp hệ thống PCCC…
Mở rộng điều tra vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Không có vùng cấm
Cùng đó là phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến giao thông, cấp điện, nước, cơ sở y tế trong hoạt động chữa cháy; đình chỉ hoạt động khi có vi phạm quy định về PCCC; phân công trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; phân cấp gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý, phê duyệt phương án chữa cháy, quản lý về PCCC.
Một nội dung khác được Bộ Công an lưu ý, đó là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC.
Phân định rõ trách nhiệm thực hiện quy hoạch hạ tầng PCCC, trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến PCCC giữa các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập tới việc đẩy mạnh phân công, phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, quản lý hoạt động PCCC; tập trung giải quyết những bất cập về cấp nước, giao thông phục vụ PCCC.
Bình luận (0)