Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kể từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 tới nay, Bộ trưởng bộ này đã nhận được 403 câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và kiến nghị của cử tri cả nước (51 câu hỏi của ĐBQH và 352 kiến nghị cử tri). Trong số này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp trả lời tại hội trường Kỳ họp thứ 2 được 35 câu, và đã trực tiếp ký văn bản trả lời toàn bộ 403/403 câu hỏi của đại biểu và cử tri cả nước.
Theo đó, đến nay đã có 13 nội dung các đại biểu và cử tri chất vấn đã được Bộ Công Thương xử lý dứt điểm, như: không thực hiện thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 109/2010 về xuất khẩu gạo “theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo”.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt luật Quản lý ngoại thương, bổ sung quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; quản lý chặt hơn hoạt động bán hàng đa cấp...
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Liên minh Châu Âu để vận động tài trợ ODA nhằm bổ sung nguồn ngân sách cấp phát cho chương trình điện nông thôn với số vốn khoảng 500 triệu USD. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương đã đề xuất WB cam kết khoản vay ưu đãi khoảng 9.923 tỉ đồng (tương đương khoảng 431 triệu USD); trao đổi và vận động ADB hỗ trợ cho các khoản vay hỗ trợ cho chương trình điện nông thôn.
ADB và Chính phủ Việt Nam hiện đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật (1 triệu USD) cho việc chuẩn bị khoản vay này và ADB cam kết khoản vay ưu đãi khoảng 11.933 tỉ đồng (tương đương khoảng 475 triệu USD).
Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội cân đối nợ công, ưu tiên huy động các nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài để bổ sung ngân sách Trung ương thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân được sử dụng điện.
Có 13 nội dung Bộ Công Thương đang tiếp tục xử lý để có thể giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Các nội dung này liên quan đến việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định thuộc ngành công thương, nhưng còn vướng với các quy định tại luật và nghị định khác cần có thời gian nghiên cứu đánh giá toàn diện trước khi sửa đổi.
Cũng có những kiến nghị Bộ đã hoàn thiện hoặc đang trong quá trình hoàn thiện trình Chính phủ xem xét phê duyệt như kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh; lĩnh vực an toàn điện; hướng dẫn chung về xác định giá trị tang vật vi phạm là thuốc lá điếu nhập lậu để làm căn cứ xác định thẩm quyền và khởi tố hình sự; xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; đánh giá, rà soát luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Còn 2 kiến nghị mang tính dài hạn, thường xuyên là xử lý dứt điểm 12 dự án ”đắp chiếu” và tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục xử lý nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Chủ đầu tư thép Cà Ná vẫn chưa làm rõ được một số nội dung theo yêu cầu
Liên quan đến sự cố hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 năm 2017, Bộ Công Thương cho biết: vào tháng 10.2017 đã có báo cáo gửi Thủ tướng kết quả giám định, đánh giá nguyên nhân sự cố. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do thiết kế thiếu cốt thép (nhà thầu tư vấn thiết kế KHIDI Trung Quốc và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3); thi công công trình không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân bổ sung (nhà thầu Lũng Lô).
Nguyên nhân gián tiếp của sự cố được xác định do trách nhiệm của tư vấn giám sát (Ban QLDA thủy điện Sông Bung 2) và tư vấn thẩm tra (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2). Hiện tại, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét các hình thức xử phạt đối với các chủ thể liên quan đến sự cố công trình.
Liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ quá trình thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận, bảo đảm không để xảy ra những tác động xấu tới môi trường, Bộ Công Thương cho biết hiện các cơ quan chức năng đã tạm dừng việc đề xuất dự án để làm rõ một số vấn đề về nhu cầu, môi trường, tổng mức đầu tư, cơ sở hạ tầng…. Hiện chủ đầu tư chưa làm rõ các nội dung nêu trên và trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật về đầu tư.
|
Bình luận (0)