Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng có sự kiểm soát số lượng xuất khẩu theo từng tháng,
Về kết quả rà soát, ngày 26.3, Bộ Công thương đã có buổi làm việc với đại diện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Hiệp hôị Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam về tình hình sản xuất, lượng gạo dự trữ của các doanh nghiệp cũng như tình hình cung ứng lương thực trong bối cảnh hạn mặn kéo dài. Kết quả cho thấy, dự báo các vụ lúa năm 2020 sẽ cho thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, sản lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,8 triệu tấn.
Về tác động của hạn mặn, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, diện tích lúa vụ đông xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể do Bộ và các địa phương chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng thóc gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tương đương năm 2019. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
|
Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo. Báo cáo của Bộ Công thương nhấn mạnh các số liệu cơ bản khớp với thống kê của Bộ NN-PTNT và số liệu xuất khẩu cũng khớp số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp.
Ngoài ra, tổng số lượng các hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng gạo hiện có trong kho của các doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo). Như vậy, nếu chỉ tính các doanh nghiệp hội viên của VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký mới các hợp đồng xuất khẩu gạo của Thủ tướng, lượng gạo tính tới thời điểm ngày 31.5.2020 vào khoảng 266.000 tấn.
Từ các số liệu trên, Bộ Công thương thay mặt đoàn kiểm tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới với điều kiện kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng. Trước mắt là kiểm soát lượng gạo xuất khẩu của tháng 4 và tháng 5.
Trong báo cáo, Bộ Công thương cũng cho hay, Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào 300.000 tấn gạo và sẽ giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng 4 và 5 đạt 700.000 tấn. “Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong hai tháng tới vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5”, Bộ Công thương đề xuất.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thoả thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu xuất khẩu gạo không thực hiện thoả thuận, Bộ sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Trước đó, câu chuyện dừng hay xuất khẩu gạo gây hoang mang trong cộng đồng các doanh nghiệp khi tại cuộc họp với Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5.2020. Sau khi Văn phòng Chính phủ, ngày 24/3 có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng xuất khẩu gạo, ngay trong ngày, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng tiếp tục cho xuất khẩu gạo trở lại.
Bình luận (0)