Bộ Công thương muốn quản lý chặt gạo nhập khẩu

30/11/2022 15:00 GMT+7

Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP (sửa đổi) về kinh doanh xuất khẩu và nhập khẩu gạo, trong đó đáng nói nhất là bổ sung biện pháp quản lý gạo nhập khẩu.

Việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực

công hân

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 2 năm qua đã xuất hiện tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao và gạo Việt Nam xuất khẩu chuyển hướng tập trung sang phân khúc gạo cao cấp hơn. Hàng năm, sau khi đảm bảo nguồn cung và dự trữ trong nước, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Do vậy, khi xây dựng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 107/2018/NĐ-CP tại thời điểm xây dựng nghị định.

Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu. Việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra. Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Theo dự thảo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về "kinh doanh xuất khẩu và nhập khẩu gạo”, điều khoản được bổ sung như sau:

Theo kỳ công bố số liệu, Tổng cục Hải quan kịp thời báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT về kết quả xuất khẩu khi xuất hiện hiện tượng lượng gạo xuất khẩu tăng cao, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Trường hợp khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.