Xét về tổng thể, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cơ cấu tiêu dùng thay đổi, giảm 380.000 tấn (tương đương gần 10%) so với năm ngoái. Bên cạnh đó, giá heo hơi đã tăng và đang ở mức rất cao. So với tuần trước tăng thêm 10.000 đồng/kg, lên 90.000 đồng/kg. Giá thịt thành phẩm cao nhất đến 180.000 đồng/kg, tăng hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 12.
Theo Bộ Công thương, như thường lệ tiêu dùng thịt heo sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tăng mạnh nhất trong tháng 1.2020. Mặc dù dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Song song triển khai loạt giải pháp bình ổn thị trường thực phẩm và mặt hàng thịt heo, Bộ Công thương cũng đề cập đến vấn đề nhập khẩu thịt để bình ổn dịp tết. Tuy nhiên, theo Bộ này, lượng thịt nhập khẩu chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân có nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt heo đạt 96.000 tấn với tổng trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, trong tháng 10, thịt heo được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, thứ 2 là thị trường Đức, thứ 3 Mỹ và Hà Lan.
Tại TP.HCM, báo cáo cho thấy, tổng nguồn cung mặt hàng thịt heo bình ổn thị trường của thành phố là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng tết, chiếm 21% thị phần của toàn thành phố. Tại Hà Nội, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết, sản lượng thịt heo còn thiếu khoảng 3.500 tấn heo hơi.
Đáng chú ý, theo Bộ Công thương, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là kho lạnh để dự trữ, bảo quản thịt heo đông lạnh sau nhập khẩu. Việt Nam không bảo đảm được hạ tầng để nhập thịt và trữ kho lạnh.
Bình luận (0)