Bộ Công thương nói gì về lộ trình tăng giá điện năm nay và những năm tới?

16/10/2024 07:35 GMT+7

Giá điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26.3 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Sản lượng điện tăng 10,9%

Bộ Công thương ngày 15.10 đã công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 9 tháng năm nay, trong đó có thông tin về lộ trình tăng giá điện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bộ Công thương nói gì về lộ trình tăng giá điện năm nay và những năm tới?- Ảnh 1.

Giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.103,1159 đồng/kWh từ ngày 11.10

ẢNH: EVNNNPC

Theo Bộ Công thương, lũy kế 9 tháng năm nay, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 232,7 tỉ kWh, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 75,0% so với kế hoạch (310,6 tỉ kWh) được Bộ Công thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024.

Trong tháng 9, do ảnh hưởng bởi mưa lũ do bão số 3 gây ra khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước tăng cao. Đa số lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Các nguồn thủy điện đã được huy động linh hoạt theo tình hình thủy văn thực tế. Các nguồn nhiệt điện được huy động hợp lý để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của phụ tải, đảm bảo chất lượng điện năng, ổn định hệ thống.

Các nguồn điện khí được huy động theo khả năng cấp khí và nhu cầu hệ thống điện. Kết hợp với các giải pháp linh hoạt truyền tải điện năng liên miền, tình hình cung ứng điện từ đầu năm 2024 đến nay đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.

Thông tin về lộ trình tăng giá điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công thương khẳng định, giá điện được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trong đó, giá điện được xem xét điều chỉnh nếu các thông số đầu vào trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện biến động khách quan và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa được tính vào giá điện.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3 - 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Cũng theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh phải phù hợp với khung giá quy định tại Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo quyết định này, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

EVN chưa thể đánh giá được lỗ, lãi sau tăng giá điện

Trước đó, ngày 11.10, EVN đã công bố quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.103,1159 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện hiện hành.

Theo số liệu kiểm tra do Bộ Công thương công bố, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỉ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỉ đồng. Nhưng do thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỉ đồng, nên số lỗ giảm xuống 21.821,56 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Chia sẻ về quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN, cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế tình hình sản xuất điện trong năm 2023. Khi giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ... biến động mạnh so với những năm trước đây.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, thực tế khi tính toán theo công thức của Quyết định 05/2024 thì mức tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng 4,8%. EVN và Bộ Công thương đã cân nhắc kỹ để việc tăng giá điện lần này sẽ không ảnh hưởng nền kinh tế. Mức độ ảnh hưởng đến CPI rất thấp, chỉ tăng 0,04%.

Dù giá điện tăng 4,8% nhưng EVN chưa thể đánh giá ngay được kết quả lãi hay lỗ mà phải đợi đến sau khi có báo cáo giá thành điện năm 2024, theo quy định của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.