Theo thông tin tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 20.3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản gửi EVN yêu cầu sớm hoàn thành việc thỏa thuận, đàm phán với chủ đầu tư điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió).
Văn bản này nêu rõ, ngày 7.1, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đến ngày 9.1, Bộ Công thương có văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.
Ngày 2.3, Bộ Công thương tiếp tục ra văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực thế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất khung giá phát điện.
Bộ Công thương yêu cầu EVN căn cứ các văn bản hướng dẫn để khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31.3 để sớm đưa vào vận hành các nhà máy, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Nhưng theo thông tin từ phía EVN, cập nhật đến ngày 22.3, mới chỉ có 1 doanh nghiệp gửi hồ sơ đàm phán giá điện. Trong ngày 21.3, EVN và doanh nghiệp này đã khởi động quá trình đàm phán giá phát điện.
Dù trước đó, ngày 9.3, Công ty Mua bán điện thuộc EVN đã có văn bản gửi các chủ đầu tư đề nghị cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án theo danh mục để phục vụ việc đàm phán.
Trong đó, có các hồ sơ liên quan đến thông số tài chính của dự án; hồ sơ tính toán sản lượng điện và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với điện lượng của dự án; các tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây truyền tải từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện…
Ngày 20.3 vừa qua, EVN tổ chức hội nghị gặp gỡ 85 chủ đầu tư dự án điện tái tạo để lắng nghe ý kiến, hướng dẫn việc đàm phán khung giá.
Chia sẻ tại hội nghị này, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, bày tỏ EVN mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán để các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cũng tại hội nghị, đại diện nhà đầu tư kiến nghị trong thời gian chờ đàm phán với EVN, Bộ Công thương xem xét huy động ngay công suất của dự án đủ điều kiện phát điện với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu (tương đương 6,2 cent/kWh) để tránh lãng phí. Thống kê đến nay, 34 dự án điện tái tạo chuyển tiếp có tổng công suất 2.091 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đã được EVN kiểm tra, Bộ Công thương nghiệm thu đủ điều kiện phát điện lên lưới.
Bình luận (0)