Bộ Công thương xin 'trả lại' hàng trăm tỉ vốn đầu tư công

06/10/2022 18:16 GMT+7

Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công thương đạt tỷ lệ thấp so với bình quân chung, dù ngay trong tháng 9 vừa qua, Bộ này có văn bản đề xuất điều chỉnh giảm vốn hơn 406,6 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký báo cáo gửi các Bộ KH-ĐT, Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm.

Bộ Công thương nằm trong số các bộ, ngành T.Ư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với bình quân chung cả nước

NGọc THắng

Theo báo cáo này, năm 2022, Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giải ngân vốn đầu công là 825,2 tỉ đồng. Nhưng ngày 22.9, Bộ Công thương đã có Quyết định số 1094/QĐ-BCT gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xin điều chỉnh còn 418,5 tỉ đồng. Trong phần vốn 406,6 tỉ đồng xin giảm, có toàn bộ vốn ODA là 239,3 tỉ đồng và vốn trong nước là 167,3 tỉ đồng.

Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch phân bổ toàn bộ 418,5 tỉ đồng, trong đó 194,6 tỉ đồng thực hiện 28 dự án chuyển tiếp; 220,9 tỉ đồng thực hiện 27 dự án khởi công mới. Nhưng đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 19,8%, chỉ tăng 5% so với 8 tháng đầu năm.

Trong báo cáo, Bộ Công thương đã giải trình một số nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ở mức thấp hơn so với mức trung bình cả nước. Trong đó, nguồn vốn ODA không thể triển khai được do vướng mắc về không lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị và còn nhiều thủ tục cần triển khai. Bộ Công thương có liệt kê 9 thủ tục cần triển khai và đây là nguyên nhân phải điều chỉnh giảm toàn bộ vốn ODA trong năm 2022.

Đối với các dự án khởi công mới, Bộ Công thương cho rằng, cần phải thực hiện nhiều thủ tục mới đủ điều kiện triển khai công trình và giải ngân, gồm: tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu tư vấn; lập thiết kế thi công và dự toán xây dựng; thẩm tra, thẩm định thiết kế thi công; dự toán xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy; lập, trình thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng; thương thảo, ký hợp đồng xây dựng và tạm ứng vốn khởi công. Trong khi tiến độ thực hiện một số thủ tục nêu trên phụ thuộc vào yếu tố khách quan và rất dễ phát sinh các vấn đề ngoài dự kiến.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành và đang trong quá trình thẩm định, tuy nhiên sau khi các đề án được phê duyệt thì mới đủ điều kiện thanh, quyết toán các hợp đồng tư vấn, tổ chức công bố quy hoạch và giải ngân vốn.

Bộ Công thương đang có 2 dự án xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía bắc và phía nam nằm trong khu công nghệ cao Hà Nội và TP.HCM đang gặp vướng mắc trong quá trình giao, cho thuê đất để triển khai dự án. Công tác giao đất thực hiện các dự án tại một số địa phương cũng gặp khó khăn trong đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đôn đốc theo từng tháng đối với từng dự án

Theo Bộ Công thương, một nguyên nhân khách quan khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do giá nguyên vật liệu biến động, dẫn đến phát sinh cần điều chỉnh dự toán đối với một số dự án để cập nhật đơn giá vật tư, vật liệu nhằm đảm bảo không phát sinh tình huống trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm, Bộ Công thương cho biết đã tăng tần suất kiểm tra và yêu cầu báo cáo đối với các dự án quan trọng; các dự án có tỷ lệ giải ngân còn thấp và dự án còn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bộ Công thương tiếp tục duy trì giao ban định kỳ trong tháng để kiểm tra, giám sát, đôn đốc và quán triệt đến chủ đầu tư của từng dự án; phân công các đơn vị chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong công tác đầu tư công để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn theo đúng kế hoạch năm 2022.

Trước đó, chiều 3.8, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức trung bình cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, "tiền để đấy không tiêu được" đang tồn tại ở các Bộ, ngành, địa phương là "rất xót ruột và sốt ruột".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.