Bộ Công thương yêu cầu cấp đủ than, TKV kêu khó

21/03/2022 13:57 GMT+7

TKV cho rằng giá than cao kỷ lục khiến chính doanh nghiệp này cũng nhập khẩu khó nên việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện khó đạt tiến độ.

Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về việc cung ứng than cho sản xuất điện, sau khi Bộ này yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ cho các nhà máy nhiệt điện.

Về tình hình sản xuất than trong quý 1, TKV cho hay, than nguyên khai sản xuất khoảng 10,37 triệu tấn, đạt 26,5% kế hoạch năm, bằng 104,5 % so với cùng kỳ.

Than nhập khẩu khoảng 325.000 tấn, đạt 6,9% kế hoạch năm.

TKV kêu khó đảm bảo đủ than cho các nhà máy nhiệt điện

Chí Hiếu

Về cấp than tiêu thụ cho các nhà máy điện, TKV thông tin, đến hết ngày 14.3 là 6,342 triệu tấn, bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng. Dự kiến 3 tháng đầu năm, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8,5 triệu tấn, bằng 23% sản lượng theo hợp đồng ký năm 2022.

Trong khi đó, 3 tháng đầu năm, các nhà máy điện đăng ký nhu cầu 9,737 triệu tấn và TKV bố trí kế hoạch cấp đạt 9,08 triệu tấn.

Luỹ kế đến giữa tháng 3, các nhà máy điện BOT đã nhận than đạt 19,06% số lượng theo hợp đồng; các nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực (EVN) đạt 16,93%.

"4 gói thầu nhập than khả năng không có đối tác"

Nguyên nhân của việc cấp than quý 1/2022 không đạt tiến độ hợp đồng, theo TKV là bởi "phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch".

Cụ thể là 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhập được 325.000 tấn. Kéo theo đó, sản lượng than phối trộn nhập khẩu cấp cho các nhà máy điện quý 1 khoảng 1,1 triệu tấn, bằng 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than phối trộn nhập khẩu quý 1/2022.

“Mặc dù TKV và các đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như huy động than tồn kho ra để chế biến, pha trộn than sản xuất trong nước giữa các vùng, khuyến khích các đơn vị đang có điều kiện khai thác thuận lợi tổ chức khai thác với sản lượng tăng cao... để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước, nhưng không bù đắp được khối lượng than phối trộn nhập khẩu bị thiếu. Than tồn hầu hết là than vùng Mạo Khê, Uông Bí - là các loại than không tiêu thụ trực tiếp được cho các nhà máy điện mà phải pha trộn với than nhập khẩu và (hoặc) các nguồn than trong nước khác”, TKV lý giải.

Tuy nhiên, tập đoàn này cũng cho rằng, việc không nhập khẩu được than theo tiến độ kế hoạch 3 tháng đầu năm, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do đến ngày 2.3.2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo luật Giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.

“Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn, kèm theo giá than thế giới tăng đột biến”, TKV giải thích, đồng thời dẫn chứng dù đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý 2/2022 nhưng khả năng không có đơn vị trúng thầu.

TKV cũng “tố” rằng, khi nguồn bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, dẫn đến tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất. Nhưng khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi thì lại quay về lấy than của TKV với khối lượng cao, đặc biệt trong điều kiện hiện nay giá than thế giới tăng đạt mức kỷ lục, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại báo cáo này, TKV cũng đề nghị được xem xét để điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV).

Liên quan đến việc đảm bảo than cho điện, mới đây, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán, cung cấp than đã ký, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Bộ Công thương nhấn mạnh "trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện".

Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2022 TKV sẽ cung cấp 43 triệu tấn than; trong đó, than xuất khẩu 1,8 triệu tấn; than bán trong nước 41,2 triệu tấn (than bán cho các hộ điện 35 triệu tấn).

Để có được sản lượng này thì than nguyên khai sản xuất khoảng 39,1 triệu tấn và nhập khẩu thêm khoảng 4,756 triệu tấn.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than thực tế, TKV sẽ điều hành tăng sản lượng than nguyên khai khai thác đến mức tối đa (gần 41 triệu tấn) nhưng cũng cảnh báo rằng nếu không có than nhập khẩu hoặc than nhập khẩu về chậm thì khó có khả năng cung cấp được 35 triệu tấn than cho các hộ điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.