Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử theo quy định.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Thế nên, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là cần thiết. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế.

Dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 31 tỉ USD trong năm 2025
ẢNH: Đ.N.T
Chính vì lý do đó, Bộ Công thương và Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững.
Trước đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2024, thương mại điện tử đã đạt doanh số khoảng 108.000 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm và được đánh giá cao xếp vào hàng đầu thế giới. Dự báo năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỉ USD. Tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử chiếm khoảng 60%, giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400 USD mỗi người trong một năm.
Bình luận (0)