Bỏ đề xuất miễn học phí THCS và chính sách lương nhà giáo: Không phù hợp và thiếu thuyết phục

14/03/2018 08:24 GMT+7

GS Đào Trọng Thi nhiều lần nhắc lại cụm từ 'rất đáng tiếc' khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh việc bỏ đề xuất miễn học phí THCS và chính sách lương giáo viên.

GS Đào Trọng Thi (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều lần nhắc lại cụm từ “rất đáng tiếc” khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh việc bỏ đề xuất miễn học phí THCS và lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp ra khỏi dự thảo mới nhất về sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục.
Đưa những nội dung đó vào luật là rất xứng đáng để nghị quyết của Đảng được thể hiện một cách ổn định, chắc chắn trong quy định của pháp luật ở mức cao nhất
GS ĐÀO TRỌNG THI
GS Đào Trọng Thi nói: “Có lẽ 2 nội dung ban đầu được đề xuất là những nội dung mang tính 'cách mạng' trong chính sách của nhà nước trong giáo dục và nếu Chính phủ không trình nữa tức là trong quá trình thảo luận những đề xuất đó của ban soạn thảo đã không được đồng tình, ủng hộ. Tôi rất tiếc!”.
Chẳng còn lý do gì đáng để phải sửa luật giáo dục nữa !
Một trong những lý do chính mà các bộ ngành liên quan đề nghị ban soạn thảo không đưa hai nội dung trên vào luật đều là vì ngân sách nhà nước còn khó khăn. Ông có cho rằng đây là lý do thuyết phục?
Tất nhiên cũng có thể do phải cân nhắc về nguồn lực thực hiện chưa khả thi, nhưng trong mọi trường hợp thì đây là điều rất đáng tiếc. Đặc biệt là đề xuất đưa lương giáo viên (GV) cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Điều này đã nằm trong Nghị quyết T.Ư 2, khóa 8 của Đảng, Nghị quyết từ 20 năm trước. Bản thân tôi rất ấn tượng với nội dung này vì thời điểm đó lần đầu tiên tôi tham gia với tư cách ủy viên T.Ư để bàn thảo về một vấn đề quan trọng như vậy.
Không có lý gì một quan điểm rất quan trọng, nhân văn của Đảng, liên tục khẳng định trong 20 năm qua mà đến nay vẫn bảo không thực hiện được vì không đủ điều kiện. Nếu nói nghị quyết vừa ban hành, cần thời gian chuẩn bị thì còn có thể hiểu được. Đằng này nghị quyết đã ban hành 20 năm mà vẫn lấy lý do đó thì không còn phù hợp và thuyết phục nữa.
Tôi cũng phải nói thẳng là nếu bỏ 2 nội dung quan trọng trên đây thì cũng chẳng còn lý do gì đáng để phải sửa luật Giáo dục nữa. Đặt vấn đề sửa luật Giáo dục vì vậy cũng không phải là vấn đề cấp thiết lúc này.
Theo ông, việc bỏ hay không bỏ hai nội dung này khỏi dự thảo luật Giáo dục sẽ gây tác động xã hội như thế nào?
Thực ra, trong xã hội mà ưu tiên cho ngành GD-ĐT thì có thể còn có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những người ở lĩnh vực khác. Nhưng nếu “ý kiến khác” ấy lại xuất phát từ chính Chính phủ và những cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì lại không nên.
Khi dự thảo ban đầu đưa ra, tôi hình dung nếu có thì phải tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc từ dư luận xã hội, từ các thành phần khác để dung hòa lợi ích của các thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng Chính phủ phải rất quyết tâm trong việc thực hiện chính sách này.
Chính phủ không đề xuất nữa và nếu Quốc hội không tự đề xuất cũng như quyết liệt yêu cầu Chính phủ phải thực hiện như một số chính sách đã từng thực hiện thì đúng là 2 nội dung trên sẽ không có cơ hội thực hiện vào thời điểm này.
Khó thực hiện nếu đưa vào văn bản dưới luật
Như vậy có thể hiểu 2 điều quan trọng trên đã lỡ cơ hội thực hiện?
Đương nhiên rồi! Chính vì không thể thực hiện chính sách đó ở một cấp thấp hơn như lẽ ra phải thế nên việc đưa vào luật là cần thiết. Sở dĩ nói như vậy vì lẽ ra Chính phủ có thể quyết định thực hiện việc thay đổi một thang bảng lương của một ngành nghề cụ thể chứ không quy định bắt buộc phải trình Quốc hội quyết định việc này. Tuy nhiên, do một chủ trương lớn nhiều năm chưa thực hiện được nên rất cần có sự quyết tâm của Đảng và Quốc hội thể chế hóa quyết tâm đó của Đảng.
Khi Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, quyết tâm thực hiện thì không còn lý do gì để cản trở nữa.
Theo đề nghị của một số bộ liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì 2 nội dung đó sẽ đưa vào các đề án hoặc văn bản khác của Chính phủ. Vậy theo ông tính khả thi ra sao?
Đưa nội dung đó vào những văn bản thấp hơn luật thì có thể thấy là khó thực hiện. Thực tế, Nghị quyết T.Ư 2 khóa 8 của Đảng khẳng định một câu giống hệt Nghị quyết 29 vừa qua, đó là “thang bảng lương của GV phải cao nhất trong hệ thống lương của các đơn vị hành chính sự nghiệp” nhưng 20 năm vẫn không thực hiện được. Chúng ta mới chỉ thực hiện được ở mức là GV được hưởng phụ cấp giảng dạy chứ không phải một chế độ chính thức như lương. Do vậy, đưa những nội dung đó vào luật là rất xứng đáng để nghị quyết của Đảng được thể hiện một cách ổn định, chắc chắn trong quy định của pháp luật ở mức cao nhất.
Nên đưa vào luật nhưng thực hiện theo lộ trình
Hai nội dung về lương nhà giáo và miễn học phí bậc THCS khi đưa vào dự thảo ban đầu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, cử tri cả nước. Về mặt nguyên tắc, phổ cập bắt buộc tức là trách nhiệm của nhà nước và không thu học phí ở các đơn vị giáo dục công lập. Đây là 2 nội dung rất mạnh mẽ, nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới giáo dục, trong đó chủ thể chính là GV và học sinh (HS).
Tuy nhiên, tờ trình chính thức của Chính phủ và dự thảo luật (lần thứ 5) trình ủy viên Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 thì không còn cả 2 nội dung này. Tôi cũng chia sẻ với Chính phủ vì căn cứ vào nguồn lực hiện có thì mới hoạch định được chính sách. Nếu 2 chính sách được thực hiện thì chắc chắn đòi hỏi nguồn lực lớn và Chính phủ phải cân nhắc. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ phải lo về nguồn lực quốc gia nên phải cân đối, quyết định dựa trên nguồn lực thực tế với mong muốn của ngành, của xã hội. Nhưng dưới góc độ một đại biểu Quốc hội thì tôi thấy việc không đưa 2 nội dung đó vào dự luật là điều đáng tiếc. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đặt vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng chuẩn GV, nâng chuẩn đầu vào đối với sinh viên sư phạm, thu hút HS giỏi vào ngành..., nếu không có những chính sách đồng bộ như chế độ học phí, chế độ đãi ngộ về thu nhập, về cơ hội việc làm thì những yêu cầu đặt ra sẽ chỉ dừng ở mong muốn, dù việc nâng chuẩn đó là rất cần thiết.
Với người dân có con học THCS ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, nếu thực hiện được việc miễn học phí sẽ rất tốt. Đây là chủ trương đã có trong nghị quyết của Đảng, có nội dung đã ban hành hàng chục năm và phải hàng chục năm nữa mới có cơ hội sửa luật Giáo dục thì nên đưa chủ trương của Đảng vào trong luật.
Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Cam kết phổ cập đến đâu thì phải thực hiện đến đó
Việc nhà nước đảm bảo cho người học được đến đâu thì tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, mà việc cam kết này phải tùy thuộc vào năng lực tài chính của nhà nước trong từng giai đoạn. Vấn đề quan trọng là nhà nước phải cân nhắc khả năng ngân sách của mình, để tuyên bố với xã hội là có thể phổ cập đến đâu. Còn một khi đã tuyên bố thì phải thực hiện cam kết. Cam kết thực hiện phổ cập THCS hiện nay của chúng ta mới chỉ dừng lại ở ý chí nhiều hơn là từ việc tính toán một cách chi tiết bài toán kinh tế. Đến nay chưa thấy một cái báo cáo hay một bảng phân tích nào thấu đáo về chuyện nếu phổ cập THCS thì sẽ tốn của nhà nước bao tiền, và nhà nước lấy tiền đâu để thực hiện công việc đó.
PGS Vũ Cương (Trưởng bộ môn Kinh tế công cộng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Cần mở rộng đối tượng miễn học phí
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước không chỉ miễn học phí bậc phổ thông mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến trường thông qua nhiều khoản thu khác. Ở nước ta, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đã miễn học phí tiểu học từ nhiều năm trước, vì vậy chúng ta cần tiến tới mở rộng đối tượng thụ hưởng. Và nếu chưa làm đại trà thì nhà nước nên có lộ trình từng bước, nghiên cứu, chọn những HS có điều kiện cần hỗ trợ, miễn phí theo từng cấp độ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HS tiếp cận với kiến thức.
Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Dễ dẫn đến mất niềm tin vào giáo dục
Chúng ta đang tích cực phổ cập, vận động HS đến trường nhưng có nhiều em vẫn không đủ điều kiện, do vậy miễn học phí là điều nên làm. Điều này đã được đông đảo nhà giáo, phụ huynh, nhà nghiên cứu giáo dục góp ý cho dự thảo sửa đổi luật Giáo dục. Tuy nhiên, đến nay những đóng góp này không được đề cập đến sẽ khiến GV, phụ huynh, HS nói riêng và người dân nói chung không còn niềm tin vào ngành giáo dục.
Hoàng Long Trọng (Giáo viên Trường THCS Văn Lang Q.1, TP.HCM)
Tuệ Nguyễn - Quý Hiên - Bích Thanh (ghi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.