Bộ GD-ĐT báo cáo nhiều số liệu 'lần đầu có' về tuyển sinh ĐH 2022

08/10/2022 14:25 GMT+7

Năm 2022, nhờ có những thay đổi về kỹ thuật trong xét tuyển ĐH, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã đưa ra được những nhận định lượng hóa liên quan tới thí sinh trúng tuyển ảo.

Ngày 7.10, Bộ GD-ĐT gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội báo cáo công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 (gọi chung là tuyển sinh ĐH).

Tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục nhập học

Mai Chi

Năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số thay đổi trong kỹ thuật xét tuyển ĐH, trong đó có quy định thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển của tất cả phương thức xét tuyển vào hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung (là cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc cổng dịch vụ công quốc gia, gọi chung là hệ thống).

Trong đó bao gồm cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm đã được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT).

Các trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm phải tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng chung giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển.

Sau khi có thông báo về kết quả xét tuyển đợt 1, thí sinh phải xác nhận nhập học lên hệ thống thì mới được xem là đã trúng tuyển.

Nhờ thế, Bộ GD-ĐT đã có được hệ thống dữ liệu tin cậy, từ đó đưa ra được những nhận định lượng hóa về tuyển sinh đợt 1, trong đó có những nhận định thú vị liên quan tới thí sinh trúng tuyển ảo.

Chỉ 35% thí sinh trúng tuyển diện nguyện vọng 1 với phương thức xét tuyển sớm

Chẳng hạn, qua các phương thức xét tuyển sớm theo kế hoạch tuyển sinh của từng trường ĐH cho thấy, trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2, 3 nguyện vọng. Tuy nhiên, phần lớn các em không “mặn mà” với các phương thức xét tuyển sớm.

Cụ thể, trong số những em đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, chỉ 35% đăng ký nguyện vọng 1 với các phương thức này. Khi kết thúc xét tuyển đợt 1, trong số những em trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, có 30% em không đăng ký nguyện vọng 1 vào phương thức xét tuyển sớm. Nghĩa là những em này đặt nguyện vọng 1 và các nguyện vọng cao hơn vào phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT 2022, nhưng không đỗ.

Đặc biệt, khi bắt đầu xét tuyển đợt 1, có tới 35% thí sinh tuy đã đăng ký xét tuyển sớm và được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sớm vào hệ thống. Điều đó cho thấy các em trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại hoàn toàn không muốn vào các ngành mà mình đã được công bố trúng tuyển sớm.

Một con số thú vị khác cũng được Bộ GD-ĐT cung cấp, đó là chỉ có 28% thí sinh trúng tuyển thẳng (được các giải học sinh giỏi quốc gia, giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật…) xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là có 72% thí sinh đã trúng tuyển thẳng đã không dùng quyền được tuyển thẳng, mà tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển.

Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo giảm rõ rệt

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng là 1.259.645. Tổng số thí sinh được xét trúng tuyển đợt 1 là 567.399 em (trong đó 3.580 em trúng tuyển cao đẳng sư phạm mẫu giáo). Số được xét trúng tuyển đạt 97,03% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu toàn quốc năm 2022 tăng khoảng 60.000, tương đương với 12% so với năm 2021).

Số lượng trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn cao hơn cả, cụ thể như sau:

Trung bình số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển so với số nguyện vọng đạt (số thí sinh trúng tuyển) sau khi xử lý nguyện vọng (lọc ảo) là 2,22 lần. Trong đó, có những cơ sở đào tạo có tỷ lệ ảo gấp gần 6 lần (như Khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng). Chỉ có các trường thuộc khối ngành công an, quân đội do chỉ xét tuyển nguyện vọng 1 nên không gặp phải hiện tượng ảo như các cơ sở đào tạo khác.

Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 thí sinh được xác định trúng tuyển, cao hơn cả số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2021 (516.000). Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000 và tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt trên 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển), đều là những con số cao hơn nhiều so với các năm gần đây.

Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 của năm 2022 (tính đến hết ngày 30.9) đã vượt tổng số thí sinh nhập học của cả năm 2020 (458.524 em) và đã bằng 90% của cả năm 2021 (hơn 516.000 em).

Đặc biệt, có tới 75% số trường ĐH có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số trường ĐH có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Đây là những con số thể hiện tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm rất nhiều.

Qua các thông tin trên, Bộ GD-ĐT nhận định, vai trò của việc xử lý nguyện vọng cho tất cả các phương thức xét tuyển của trường ĐH là vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng giúp cho các trường ĐH giảm thiểu được thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển của chính mình và ảo giữa các trường khác.

Trong khi đó, quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo, các em được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường ĐH mong muốn.

Số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: 1.002.525.

Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, cao đẳng: 642.270 em, bằng 64,07% số đăng ký dự thi.

Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển: 3.068.538, trung bình 4,78 nguyện vọng/1 thí sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.