Chương trình là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu giảng dạy
Là một giáo viên THCS với hơn 37 năm giảng dạy môn lịch sử và trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa (SGK), cá nhân tôi nhận thấy Bộ GD-ĐT không cần phải biên soạn một bộ SGK trong lúc này.
Bởi lẽ Chương trình GDPT 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường và đến năm 2025 sẽ hoàn thành. Chưa kể, hiện nay cũng có ít nhất 3 bộ SGK được đưa vào sử dụng: Cánh diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống. Các cá nhân, chuyên gia, tổ chức phối hợp biên soạn 3 bộ sách. Bộ GD-ĐT cũng đã thẩm định, phê duyệt để các địa phương lựa chọn SGK. Điều này phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018 là sử dụng nhiều bộ sách (xã hội hóa).
Về mặt pháp lý, chương trình là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu để thầy cô giảng dạy. Mỗi bộ SGK có nội dung, hình thức, bố cục trình bày khác nhau nhưng tất cả đều phải được biên soạn dựa trên một chương trình duy nhất, thống nhất của Bộ GD-ĐT. SGK còn được Bộ GD-ĐT thẩm định phê duyệt, cấp phép trước khi đưa vào giảng dạy.
Như vậy, trên thực tế, SGK là của Bộ GD-ĐT hoặc Bộ GD-ĐT cùng nhà xuất bản đồng sở hữu SGK. Do đó, Bộ GD-ĐT cũng không cần phải biên soạn riêng một bộ sách nữa.
Về giảng dạy, các bộ SGK khác nhau giúp nhà trường, thầy cô có thêm nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, trong năm học 2023-2024, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) chọn sách lịch sử và địa lý lớp 8 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) để giảng dạy nhưng vẫn tham khảo sách của bộ Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Tổ chuyên môn cũng khuyến khích điều này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bộ GD-ĐT cần tăng cường vai trò giám sát trước khi có bộ SGK riêng
Dù vậy, việc chọn một bộ SGK cũng phát sinh nhiều vấn đề vì mỗi bộ có những thế mạnh và khuyết điểm khác nhau.
Đa số giáo viên nhận xét các bộ SGK hiện hành có nhiều điểm bất cập, còn "sạn" và cho rằng những nhóm chuyên gia biên soạn trong một tâm lý "hơi vội". Chẳng hạn, sách ngữ văn 10 (bộ Chân trời sáng tạo) chỉ mới áp dụng một năm đã có điều chỉnh một số chỗ.
Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT tăng cường vai trò kiểm định các bộ sách hiện hành là rất cần thiết trước khi nghĩ đến việc có một bộ sách riêng, để điều chỉnh kịp thời chất lượng và tránh lãng phí bộ sách nào.
Việc Bộ GD-ĐT có thêm một bộ sách thực sự không phải để giải quyết chuyện khan hiếm sách mà vấn đề ở đây là giá sách. Vì vậy, thay vì Bộ phải bỏ nguồn lực và tài chính ra để làm sách, hãy nghĩ đến việc kiểm soát giá bán trước.
Nếu Bộ GD-ĐT có một bộ SGK riêng thì điều này liệu sẽ dẫn đến cảnh Bộ GD-ĐT "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Bởi lẽ Bộ GD-ĐT đang làm vai trò kiểm định chất lượng, tổ chức kiểm tra đánh giá (như kỳ thi tốt nghiệp THPT) nhưng lại có bộ SGK riêng. Khi đó khó tránh khỏi việc đa số các trường sẽ chọn SGK của Bộ GD-ĐT. Và cuộc cạnh tranh lựa chọn sách, theo chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, liệu có đi đến cảnh bất công bằng hay không?
Vì vậy, trước khi Bộ GD-ĐT nghĩ đến việc có bộ SGK riêng, cần tăng cường vai trò kiểm định, đánh giá SGK, đánh giá hiệu quả sử dụng sách.
Bình luận (0)