Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi sở GD-ĐT các địa phương đặt ra một số yêu cầu để tổ chức dạy học môn tiếng Anh và môn tin học ở cấp tiểu học theo chương trình Giáo dục phổng thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Bộ GD-ĐT nêu một số yêu cầu để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học ở tiểu học |
NGUYỄN LOAN |
Theo đó, yêu cầu các sở GD-ĐT ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình môn tiếng Anh, môn tin học từ năm học 2022 - 2023 bảo đảm 100% học sinh trên địa bàn được học các môn học theo quy định.
Tổ chức khai thác, sử dụng, xây dựng bổ sung kho bài giảng dùng chung cho các môn học, đặc biệt là môn tiếng Anh, tin học để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện các phương án tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả bảo đảm chất lượng dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Trước thực trạng các địa phương đều thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học ở cấp tiểu học hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả bảo đảm tổ chức dạy học được môn tiếng Anh, tin học theo quy định ở tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục tiểu học trên địa bàn.
Tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng theo hướng dẫn tại Công văn số 371 của Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 bảo đảm đủ giáo viên để tổ chức dạy các môn học này theo lộ trình quy định.
Đáng chú ý, văn bản của Bộ GD-ĐT nêu một số đề nghị để địa phương có thể áp dụng như: thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động giáo viên môn tiếng Anh, tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học (sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Anh, môn tin học cấp tiểu học)…
Các phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu UBND cấp huyện có phương án kịp thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục tiểu học có nhiều điểm trường (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối internet).
Xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến (học tập trực tiếp qua lớp học ảo, một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí địa lý khác nhau).
Tập huấn, hướng dẫn giáo viên để thực hiện phương án dạy học linh hoạt tại các trường, điểm trường không thể bố trí giáo viên dạy học môn tiếng Anh, môn tin học.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn theo hình thức liên trường, liên cấp học đối với các tiết học thực hành bảo đảm thuận lợi, khả thi, an toàn trong tổ chức hoạt động dạy học; xây dựng ngân hàng máy tính, thiết bị dạy học dùng chung để bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học môn tiếng Anh, môn tin học tại các trường, điểm trường theo quy định.
Bình luận (0)