Bộ GD-ĐT cân nhắc bỏ xét tuyển sớm

07/12/2024 17:34 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, để tạo sự công bằng, bộ đang xem xét giảm tỷ lệ được xét tuyển sớm hoặc bỏ luôn hình thức xét tuyển sớm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã thông tin về dự thảo quy chế chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định không vượt quá 20% chỉ tiêu, tại họp báo Chính phủ chiều 7.12.
Bộ GD-ĐT cân nhắc bỏ xét tuyển sớm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết bộ sẽ cân nhắc giảm tỷ lệ hoặc thậm chí bỏ phương thức xét tuyển sớm

ẢNH: VGP

Theo ông Sơn, việc xét tuyển sớm xuất hiện cách đây 6 - 7 năm từ một số cơ sở đào tạo. Khoảng năm 2017, bắt đầu từ một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ, bằng thành tích và các hình thức khác. Sau đó, các cơ sở đào tạo khác như "một cuộc chạy đua, lao vào cuộc cạnh tranh vất vả".

Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển. Các em học sinh đang học lớp 12 chạy đôn chạy đáo để giành chứng chỉ làm hồ sơ; các trường THPT, thầy cô giáo phải xác nhận để cho công tác tuyển sinh này.

"Tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao. Theo số liệu, có 8 nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có 2 nguyện vọng theo học. Nói cách khác là cứ có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì chỉ có 1 em nhập học bởi trung bình 1 em có 4 nguyện vọng", ông Sơn cho hay.

Xét tuyển sớm vừa bất công vừa tạo "thí sinh ảo"

Cũng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, khi xét tuyển sớm thì mỗi trường làm độc lập, đến khi Bộ GD-ĐT tiến hành xét tuyển chung để các thí sinh lựa chọn nguyện vọng vào các trường, các ngành thì sinh ra "thí sinh ảo".

Ngoài ra, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được thí sinh ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, có thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn tới xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. Thường là điểm chuẩn trúng tuyển hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn.

Đây là lý do từ khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển không đúng gây ra thiệt hại lớn, đồng thời không có căn cứ dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt, tạo điểm không công bằng.

"Từ sự bất công dẫn đến chất lượng không bảo đảm, có những em được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì có những em đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm", ông Hoàng Minh Sơn cho hay.

Một thực tế nữa là vì xét tuyển sớm nên nhiều em chưa hoàn thành chương trình THPT lớp 12 đã lao vào xét tuyển đại học cũng dẫn đến sự không công bằng. Học sinh nào đủ điều kiện đã học trước chương trình từ học kỳ 1, trong khi tất cả các em đều đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình THPT.

Cạnh đó, tác động tiêu cực là có rất nhiều học sinh có tâm lý trúng tuyển rồi không quan tâm đến chương trình học ở THPT nữa, có em đến lớp chỉ ngồi chơi hoặc không đến lớp nữa vì đã biết mình trúng tuyển.

Thậm chí, có em trúng tuyển vào lớp 10 trường chuyên đã yên tâm trúng tuyển đại học và các em chỉ tập trung học những gì mình thích, thiếu đi sự toàn diện trong quá trình đào tạo sau này.

Theo Thứ trưởng Sơn, Bộ GD-ĐT cho rằng, với việc điều chỉnh, khống chế tỷ lệ này, chỉ những em nào thực sự có năng lực trội thì mới được tuyển thẳng, xét tuyển sớm. Còn lại hầu hết các em sẽ tham gia kỳ thi chính của bộ.

Với giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm thì tỷ lệ trúng tuyển khoảng 5 - 7%, các thí sinh tập trung vào xét tuyển bình đẳng. "Nhiều ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh còn đề nghị bỏ xét tuyển sớm, bộ sẽ cân nhắc điều này, xem xét nên rút ngắn tỷ lệ này hay bỏ xét tuyển sớm để tạo sự công bằng", Thứ trưởng Sơn nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.