Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cho rằng chủ trương chung từ Thủ tướng Chính phủ luôn luôn là phân cấp. Cái gì phân cấp được là phân cấp, việc nào nơi nào làm tốt được thì nơi đấy làm. "Còn thời điểm phân cấp cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa tính tới", ông Thưởng khẳng định, và giải thích, hiện chúng ta vẫn thi 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả. Với mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp, với mục tiêu là xét tuyển sinh vào đại học (đến 60%). Mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó, dễ khác nhau, có đảm bảo sự công bằng không?
"Với nguồn lực, điều kiện tập trung của Bộ GD-ĐT, tức là cấp quốc gia, dù rất nỗ lực nhưng đầy gian nan. Việc tổ chức đầy khó khăn vậy, từng tỉnh tổ chức liệu có được không? Anh em chúng tôi rất trăn trở, tưởng như ra một đề thi phổ thông không có vấn đề gì, nhưng khi vào cuộc mới thấy vấn đề không đơn giản. Đây không phải là vấn đề Bộ có muốn "ôm" hay không. Bộ có muốn "ôm" mà dư luận và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấy không phù hợp thì cũng không thể "ôm" được", ông Thưởng giải thích.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết: "Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 đã công khai và kết thúc việc lấy ý kiến của dư luận xã hội, thường trực ban chỉ đạo đã tổng hợp, phân tích từ hơn 200 ý kiến. Sau đó có "ma trận" để báo cáo với lãnh đạo Bộ, với Chính phủ, để đề xuất phương án phù hợp nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025".
40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc hai ngày thi, trong số 41 thí sinh bị đình chỉ thi thì có tới 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Đặc biệt, buổi thi sáng 29.6 có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
Bình luận (0)