Bộ GD-ĐT lại đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện

09/03/2021 00:00 GMT+7

Để đảm bảo cho công tác quản lý tại các cơ sở dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2021

 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn mới đây đã chuyển đề nghị của cử tri tỉnh này tới Bộ GD-ĐT về việc cần sớm ban hành quy định về dạy thêm, học thêm để địa phương có hành lang pháp lý trong việc quản lý hoạt động này.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ GD-ĐT cho biết: sau khi luật sửa đổi luật Đầu tư năm 2016 bỏ hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17 do Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, thông tư số 17 vẫn còn hiệu lực tại: điều 4 quy định các trường hợp không được dạy thêm; điều 5 quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường; điều 7 quy định thu và quản lý tiền học thêm. Đây là cơ sở để các nhà trường và địa phương quản lý hoạt động này.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cho biết: “Để đảm bảo cho công tác quản lý tại các cơ sở dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2021”. Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17, dự kiến ban hành trong năm 2021 nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục giám sát và yêu cầu UBND cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm; tăng cường chức năng giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.
Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ GD-ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ KH-ĐT đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.
Tuy nhiên, đề nghị này của Bộ GD-ĐT không được chấp nhận. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về dạy thêm không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động này cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.