Bộ GD-ĐT nói gì về chuyện chạy chọt, 'đi đêm' trong chọn sách giáo khoa?

05/06/2023 16:46 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), trong đó có nội dung mà đại biểu này lo ngại, nếu không kiên quyết xử lý hiện tượng chạy chọt, "đi đêm" trong việc chọn sách giáo khoa thì rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục.

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 1.6 của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục; nội dung trao đổi đề cập đến một số vấn đề Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện, được cử tri và xã hội quan tâm.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: “Không xử lý đi đêm trong chọn SGK, có ngày hối không kịp như Việt Á”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận yêu cầu làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có Văn bản số 2706 ngày 2.6, trao đổi lại.

Đại biểu lo 'đi đêm' chọn sách giáo khoa giống Việt Á, Bộ GD-ĐT nói gì?   - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến sáng 1.6

GIA HÂN

Một trong những ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là: "Theo bản thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (sau đây viết tắt là Công ty Phương Nam), là một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì chỉ chưa đầy 2 năm, công ty này đã chi gần 100 tỉ đồng để phát triển thị trường và tập huấn (sau khi chọn sách giáo khoa - PV), không rõ Bộ GD-ĐT đã thanh tra nội dung này chưa?

Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, "đi đêm" trong việc này rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiêt bị trong chính ngành giáo dục". 

Văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT cho rằng: Công ty Phương Nam có 43% vốn điều lệ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp vốn; là công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật; hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế.

Báo cáo về vai trò quản lý của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với Công ty Phương Nam đã được Bộ GD-ĐT trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tại Công văn số 387/BGDĐT-TTr ngày 7.2.2022. Kết quả về doanh thu, lợi nhuận đều đã được kiểm toán và được thông qua tại đại hội cổ đông. Các số liệu đều công khai qua báo cáo tài chính. 

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác.

Trong đó, chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn sách giáo khoa, chi phí tặng sách...) năm 2020 là 29,7 tỉ đồng và năm 2021 là 24,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.

Trong thời gian từ năm 2019 - 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đang tiếp tục điều tra các hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ GD-ĐT đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, điều tra theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam?

Bộ GD-ĐT cũng trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về "những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc bộ - PV) phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản (tức Bộ GD-ĐT - PV)".

Văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT cho rằng: "Trong hơn 60 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục, phục vụ giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong cả nước. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đóng góp với ngành giáo dục, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có sai phạm của một số đơn vị và cá nhân.

Trong năm 2021 và năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư đã phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đã có kết luận về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn trước đó".

Theo Bộ GD-ĐT: "Một số đơn vị và một số cá nhân của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay đang tập trung in ấn và phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa phải vượt qua khó khăn, thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học 2023 - 2024".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.