Bộ GD-ĐT nói gì về đề nghị quy đổi nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ?

08/03/2023 18:29 GMT+7

Trước việc Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đề nghị được quy đổi nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ khi xét mở ngành đào tạo, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, quy định mở ngành của bộ đã tính đến đặc thù ngành nghệ thuật.

Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội: "Một số bạn hiểu lầm"

Mới đây, một số báo chí đưa lại bản tin của Truyền hình Quốc hội, với nhan đề Đề xuất nghệ sĩ nhân dân được tính là tiến sĩ.

Bản tin thuật lại nội dung buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội ngày 6.3 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tại buổi làm việc, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Bộ GD-ĐT nói gì về đề nghị quy đổi nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ? - Ảnh 1.

Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đề nghị được quy đổi nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ khi xét mở ngành đào tạo

TRƯỜNG ĐH SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI

Bản tin mô tả: "Theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao, nhà trường đề xuất chỉ quy định khung điểm là 0,5. Đồng thời, đề nghị tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật…".

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sau đó, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, cho rằng "một số bạn hiểu lầm".

Ông Thi nói: "Đề xuất đó chỉ để áp dụng cho chỉ tiêu tuyển sinh và khi mở mã ngành đối với các ngành đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, chứ hoàn toàn không đề nghị nghệ sĩ nhân dân hoàn toàn thay thế tiến sĩ trong công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ".

Ông Thi cho biết, nhà trường vẫn thực hiện đào tạo sau ĐH theo quy chế đào tạo sau ĐH mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Còn việc mở ngành đào tạo ĐH, xác định chỉ tiêu đào tạo ĐH thì liên quan tới cả đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Ở một số cơ sở đào tạo nghệ thuật, việc các nghệ sĩ nhân dân tham gia quá trình đào tạo là cần thiết. Bộ GD-ĐT nên ghi nhận cả sự tham gia của nghệ sĩ nhân dân, vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp; họ dạy cho sinh viên có kỹ năng nghề là rất tốt.

Quy định mở ngành, xác định chỉ tiêu đều đã xét yếu tố đặc thù

Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT (ban hành ngày 18.1.2022) của Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ đã tính đến yếu tố đặc thù của các trường nghệ thuật.

Thấu hiểu đặc thù này, trong Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ GD-ĐT nêu rõ, với những ngành đào tạo ĐH thuộc lĩnh vực nghệ thuật chỉ cần đảm bảo có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp, thay vì 5 tiến sĩ như các ngành nói chung.

Chẳng hạn, về điều kiện mở ngành đào tạo, trong điều kiện chung, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT cho phép giảng viên thỉnh giảng các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật được đảm nhận tối đa 40% khối lượng đào tạo; trong khi các lĩnh vực không phải đặc thù con số này là 30%.

Giảng viên có danh hiệu là nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân nhân dân, đồng thời có bằng thạc sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ ĐH).

Hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo.

Về điều kiện mở ngành đào tạo ĐH, các ngành bình thường cần ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, còn lĩnh vực nghệ thuật chỉ yêu cầu 3 tiến sĩ. Các điều kiện mở ngành ở các bậc đào tạo sau ĐH cũng đã tính đến yếu tố đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật.

Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành cùng thời điểm Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT cũng vậy, đều tính đến yếu tố đặc thù của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật.

Chẳng hạn, điểm b khoản 2 (quy định giảng viên trong xác định chỉ tiêu trình độ ĐH, trình độ cao đẳng) của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo.

Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo.

Tuy nhiên, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định hệ số quy đổi giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy chỉ liệt kê các trình độ của giảng viên như ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và học hàm của giảng viên như giáo sư, phó giáo sư. Theo bảng quy đổi hệ số này, người có trình độ ĐH có hệ số bằng 0, trừ giảng viên thỉnh giảng một số ngành đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH (được tính hệ số 0,2).

Ông Nghệ đánh giá: "Quy định này phù hợp với luật. Theo luật Giáo dục ĐH, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ".

Xem nhanh 20h ngày 8.3: Dùng súng đồ chơi đi cướp ngân hàng | ‘Nữ tướng’ đóng tàu biển hiếm hoi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.