Bộ GD-ĐT nói gì về 'khiếu nại' kết quả thẩm định thi Khoa học kỹ thuật?

26/03/2019 18:29 GMT+7

Đại diện Bộ GD-ĐT tiếp tục lên tiếng giải thích về những kiến nghị của phụ huynh có con tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, sau khi có kết quả chấm thẩm định.

Sau khi nhận được kiến nghị của phụ huynh về kết quả chấm thẩm định cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, tại cuộc họp báo định kỳ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 26.3, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đã lên tiếng giải thích sự việc này.
Ông Thành cho biết, quá trình tổ chức chấm thi là đúng quy chế, ban giám khảo theo quy chế là các nhà khoa học với học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi.
Cũng theo ông Thành, việc chấm thi các công trình khoa học kỹ thuật này, ngoài việc chấm kết quả sau cùng, còn chấm cả quá trình nghiên cứu của học sinh. Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, về mục tiêu, thiết kế, phương án giải quyết vấn đề để thực thi. Các giám khảo 2 lần bốc thăm để chấm.
Do phụ huynh có đơn kiến nghị, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại kết quả của một số dự án đoạt giải và cả không đoạt giải của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (cấp quốc gia khu vực phía Bắc), Bộ GD- ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định, mỗi hội đồng thuộc 2 lĩnh vực (ứng dụng cơ khí và xã hội hành vi).
Theo ông Thành, khi thành lập hội đồng, Bộ GD-ĐT cũng thành lập 2 tiểu ban, mỗi tiểu ban gồm 5 người là các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc về các trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành chấm thẩm định.
Mỗi giám khảo trong thành viên của hội đồng chấm thẩm định là độc lập nghiên cứu báo cáo của học sinh để từ đó đánh giá sự phù hợp. Sau khi có kết quả chấm thẩm định đã thông tin đến phụ huynh, kết quả này phù hợp với kết quả mà ban giám khảo đã đánh giá trong cuộc thi.
Đơn kiến nghị của phụ huynh cũng thắc mắc  về việc thành lập hội đồng thẩm định cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại đề tài này không hề được nói đến trong các thông báo công khai. Hội đồng thẩm định là những giám khảo nào, có thực sự độc lập và khách quan cũng không được Bộ GD-ĐT công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh và khi thông tin với báo chí.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Hội đồng chấm thẩm định là hoàn toàn độc lập không trùng lặp với ban giám khảo, việc thành lập hội đồng thẩm định ra sao, thành phần gồm những ai... đều  có quyết định bằng văn bản rất rõ ràng, minh bạch.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 22.3, Bộ GD-ĐT có công văn thông báo kết quả thẩm định các dự án cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (VISEF) dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019.
Sau khi nhận được kết quả này, 2 phụ huynh ở Hải Phòng tiếp tục có đơn kiến nghị, cho rằng việc lập hội đồng chấm thẩm định và cách thức chấm thẩm định sai với quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
Cụ thể, phụ huynh khiến nại: “Theo các thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì đề tài được chấm theo thang điểm 100 với các tiêu chí được đánh giá qua hồ sơ là: câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu” (10 điểm), kế hoạch và phương pháp nghiên cứu (15 điểm), thực hiện nghiên cứu (20 điểm). Các tiêu chí đánh giá qua gian hàng và trả lời phóng vấn là: tính sáng tạo (20 điểm), gian trưng bày (10 điểm), trả lời phỏng vấn (25 điểm).
Tuy nhiên, quá trình thẩm định lại chỉ dựa vào hồ sơ, bỏ qua các tiêu chí về tính sáng tạo, sự hiểu biết về khoa học, xã hội, kinh tế của đề tài khi phỏng vấn. Tính ra điểm thẩm định chỉ là 45/100”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.