Bộ GD-ĐT nói gì về xu hướng nhiều học sinh chọn khoa học xã hội?

17/03/2024 07:31 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ quan điểm về xu hướng nhiều học sinh lựa chọn học khoa học xã hội.

Thông tin này được chia sẻ trong hội nghị tuyển sinh năm 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 15.3.

Bộ GD-ĐT nói gì về xu hướng nhiều học sinh chọn khoa học xã hội?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu trong hội nghị tuyển sinh 2024

HÀ ÁNH

Lo ngại khi nhiều học sinh chọn khoa học xã hội

Liên quan vấn đề này, đại diện từ Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề trong tuyển sinh và xu hướng lựa chọn môn học của học sinh hiện nay. Theo ý kiến này, một số trường có quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển nhưng cùng một chứng chỉ được quy đổi không giống nhau. "Nên hạn chế việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ vì ngoại ngữ chỉ là một kỹ năng, chỉ nên lấy ngoại ngữ ở một số trường có tính đặc thù về sử dụng ngoại ngữ. Hiện nay ở nhiều tỉnh có tình trạng học sinh thi nhau học để thi chứng chỉ ngoại ngữ", ý kiến nêu.

Liên quan đến lựa chọn môn học của học sinh, đại diện của Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định đặt câu hỏi: "Bộ có giải pháp nào để học sinh lựa chọn các môn học khoa cơ bản không. Nếu học sinh lựa thoải mái, một xu hướng rất lớn là các cháu chọn khoa học xã hội, đặc biệt học sinh các tỉnh miền núi. Với một nước đang phát triển thì không thể để tỷ lệ học sinh học khoa học xã hội cao hơn khoa học tự nhiên".

Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định còn bày tỏ trăn trở khi cho rằng số lượng trường ĐH hiện nay quá nhiều, quá dàn trải và có những trường không tuyển được. Vì không tuyển được nên có trường phải xét tuyển bằng học bạ lấy được sinh viên nên chất lượng đầu ra không chọn lọc.

Không phải Hà Nội hay TP.HCM, Bình Dương mới có tỉ lệ học sinh học đại học nhiều nhất

Ngoài ra, đại diện này đề xuất thêm: "Hiện nay Bộ vẫn cho phép các trường ngành y và đào tạo giáo viên xét tuyển học bạ. Bộ nên xem xét lại hai ngành này, không nên xét bằng học bạ vì điểm học bạ giữa các vùng miền, các trường rất khác nhau".

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng công bố tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo các lĩnh vực đào tạo. Dù có những điều chỉnh nhưng tỷ lệ này khá tương đồng so với năm 2022. Trong đó, kinh doanh và quản lý vẫn đứng đầu với 23,57% (giảm nhẹ so với năm 2022 với 24,54%). Tiếp theo đó là máy tính và công nghệ thông tin chiếm trên 11%, công nghệ kỹ thuật trên 10%, nhân văn trên 8%... Ngược lại, các ngành có tỷ lệ thấp nhất gồm: dịch vụ xã hội, thú y, toán và thống kê, khoa học tự nhiên, khoa học sự sống…

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng khối ngành kinh doanh và quản lý hiện chiếm gần ¼ tổng số thí sinh trúng tuyển. "Có lẽ không cần nhiều đến như vậy. Cần có những giải pháp mang tính vĩ mô để điều chỉnh để có người học vào những ngành cần thiết hơn cho sự phát triển của xã hội trong thời gian tới", TS Lê Trường Tùng nêu ý kiến.

Bộ GD-ĐT nói gì về xu hướng nhiều học sinh chọn khoa học xã hội?- Ảnh 2.

Kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực năm 2023

NGUỒN: BỘ GD-ĐT

Thí sinh lựa chọn ngành học phụ thuộc vào thị trường lao động

Giải đáp băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng việc đưa ra các phương thức xét tuyển là quyền các trường nhưng quy chế ghi rất rõ dù sử dụng phương thức nào, điều kiện ngoại ngữ đến đâu cũng phải căn cứ vào yêu cầu đào tạo của ngành đó, đảm bảo kiến thức nền tảng để học ngành đó. Nếu một ngành không phải ngoại ngữ mà chỉ lấy đầu vào từ ngoại ngữ không được, ngay cả ngành ngoại ngữ mà chỉ xét chứng chỉ ngoại ngữ cũng chưa đủ.

Trước băn khoăn về việc phát triển các ngành khoa học cơ bản, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng đúng là cần đẩy mạnh số lượng và chất lượng người học các ngành khoa học cơ bản và công nghệ-kỹ thuật. Nhưng nhìn nhận khách quan, Thứ trưởng phân tích: "Việc thí sinh lựa chọn cũng phụ thuộc vào thị trường lao động. Chúng ta mong muốn thí sinh học nhiều hơn nhưng thực tế hiện nay cơ hội việc làm các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật-công nghệ có lớn thực sự không? Phát triển ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật công nghệ là mong muốn của tất cả chúng ta nhưng phải đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội. Nếu không, chỉ có biện pháp "cứng" để nhiều thí sinh học các ngành này nhưng ra trường không có việc làm cũng là lỗi rất lớn của chúng ta".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói thêm mỗi năm có trên 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ hơn 600.000 em có nguyện vọng học ĐH. Cùng với việc khuyến khích cần phải có sự quan tâm đầu tư thu hút từ thị trường lao động. Bộ đang nỗ lực xây dựng các đề án khuyến khích các ngành này. Tỷ lệ người học các ngành này trong vài năm gần đây đang tăng trong tổng hệ thống các ngành nghề.

Về việc nhiều học sinh lựa chọn khoa học xã hội, Thứ trưởng cho rằng có thể một phần là nhóm học sinh không có nguyện vọng học ĐH. Với nhóm này, có lẽ việc chọn học khoa học xã hội để xét tốt nghiệp thuận lợi hơn.

Về mạng lưới trường ĐH, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng thực tế số lượng trường ĐH trên tổng dân số nước ta không nhiều. Việc trường ĐH không tuyển sinh được một mặt phản ánh sự cạnh tranh bình đẳng giữa các trường. Tính tổng thể cả chính quy và liên thông thì hiện có khoảng 600.00 sinh viên học ĐH mỗi năm, trong tổng hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT có trên dưới 50% lựa chọn học ĐH chính quy. Với tổng quy mô 2,2 triệu sinh viên, mỗi trường ĐH quy mô trung bình khoảng 8.000 sinh viên thì cũng không phải con số quá nhỏ nhưng có những trường quy mô rất lớn và có trường quy mô rất nhỏ. Vấn đề làm sao đảm bảo chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.