So với Tài liệu giáo dục địa phương lớp 10 của TP.HCM được phê duyệt sử dụng năm ngoái, tài liệu lớp 11 năm nay cơ bản giống nhau ở một số điểm, như hình thức trình bày, hình ảnh minh họa, bố cục sách, thiết kế bài học...
Tài liệu do nhóm tác giả biên soạn, gồm tổng chủ biên Nguyễn Bảo Quốc, chủ biên Lê Duy Tân và 8 tác giả khác. Tài liệu dày gần 100 trang, gồm 8 chủ đề, xây dựng dựa trên các vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương TP.HCM. Các chủ đề này có tính kế tục, mở rộng, gần gũi hơn với đời sống xã hội so với các chủ đề ở tài liệu lớp 10.
Theo đó, tài liệu gồm các chủ đề: Văn học hiện đại của TP.HCM (chủ đề 1); Danh nhân lịch sử của TP.HCM (chủ đề 2); Phong tục, luật tục và giáo dục pháp luật ở TP.HCM (chủ đề 3); Phong cảnh TP.HCM (chủ đề 4); Thương mại của TP.HCM (chủ đề 5); Thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế ở TP.HCM (chủ đề 6); Tác động của hoạt động kinh tế đến môi trường tự nhiên ở TP.HCM (chủ đề 7); chủ đề 8 là Giáo dục STEM và định hướng nghề nghiệp ở TP.HCM.
Mỗi chủ đề cũng được thiết kế với 4 hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng theo chủ trương đổi mới cách dạy và học.
Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp việc dạy bộ môn giáo dục địa phương ở các trường THPT tại TP.HCM phải tạm hoãn trong học kỳ 1 và dồn tiết ở học kỳ 2 do tài liệu ban hành muộn. Điều này đòi hỏi các trường phải linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy để đảm bảo hoàn thành chương trình môn học. Giáo viên cũng phải gấp rút đầu tư thời gian để soạn giáo án giảng dạy cho kịp tiến độ năm học.
Bình luận (0)