Bộ GD-ĐT sắp 'mổ xẻ' mô hình trường chuyên

18/09/2020 18:35 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết dự kiến tháng 11 tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển trường chuyên để có định hướng phát triển mô hình này trong tương lai.

Trong 2 ngày 17 - 18.9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục trung học. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã giải đáp những băn khoăn và nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục cấp THCS và THPT trong năm học này.
  Nhìn lại để có hướng đi tiếp về trường chuyên
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được ông Độ đặc biệt nhấn mạnh là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021 - 2022. Trong đó có việc chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý.
“Các giáo viên được lựa chọn dạy lớp 6 phải là người có năng lực, tinh thần trách nhiệm và được bồi dưỡng chu đáo. Chậm nhất ngày 30.10, Bộ phải có danh sách giáo viên sẽ được phân công dạy lớp 6 năm học tới để có kế hoạch bồi dưỡng chi tiết, đúng yêu cầu”, ông Độ yêu cầu.
Nhiệm vụ thứ hai, theo ông Độ, không phải chờ đến khi thực hiện sách giáo khoa mới, mà các cơ sở giáo cụ cần quan tâm tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ chương trình hiện hành, bằng việc thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Bộ với các nội dung quan trọng: thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tinh giản nội dung của 10 môn học từ lớp 6 đến lớp 12; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.
Mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nếu như yêu cầu trước đây quy định “cứng” mỗi bài phải dạy bao nhiêu tiết thì chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định này mà chỉ đưa ra mạch kiến thức, chuẩn đầu ra cần đạt của chương trình. Căn cứ vào đó các tổ chuyên môn của các trường xây dựng kế hoạch dạy học của trường mình.
Ông Độ cho biết, năm nay cũng là năm Bộ GD-ĐT tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Các địa phương sẽ tổng kết, gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT sớm nhất để tổng kết, dự kiến vào tháng 11 tới. Sau hội nghị tổng kết này, Bộ GD-ĐT có thể tham mưu Chính phủ tiếp tục ban hành đề án mới hoặc xác định lại mô hình trường chuyên trong tương lai.

Tạo động lực cho giáo viên làm việc

Ông Độ cũng yêu cầu đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học và nhấn mạnh tinh thần phải tạo động lực cho giáo viên làm việc. Làm sao để đổi mới, sáng tạo trong dạy học trở thành nhu cầu tự thân của giáo viên. “Động lực làm việc rất quan trọng, hiệu quả công việc được tính bằng 3 chữ “làm”: biết làm, được làm và động lực để làm. Nếu chỉ thiếu một chữ thì kết quả bằng 0", ông Độ nói.
Do vậy, ông Độ yêu cầu việc đổi mới phải bắt đầu từ cấp quản lý bởi nếu không chính đội ngũ cán bộ quản lý lại trở thành lực lượng cản trở đổi mới. Quản lý không chỉ kiểm tra, giám sát xem giáo viên làm gì, làm thế nào mà phải tạo môi trường cho giáo viên cống hiến, sáng tạo. Chuyển từ quản lý theo hình thức ra mệnh lệnh, giao nhiệm vụ thành tạo môi trường thân thiện cho giáo viên, nhân viên làm việc, quản lý chất lượng công việc.
Ông Độ nhấn mạnh: "Bộ GD-ĐT đã quyết liệt trong quy định về giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; các địa phương cần làm tốt quy định đó và tiếp tục đề xuất nếu thấy cần giảm thêm những gì để giáo viên tập trung tốt nhất cho công tác chuyên môn".
Xung quanh việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, ông Độ chia sẻ, ai cũng mong muốn và tự hào khi địa phương mình có nhiều trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, sau khi được công nhận thì việc vận hành trường chuẩn quốc gia mới là vấn đề quan trọng.
“Làm sao để trường đạt chuẩn không chỉ trong mắt mà phải thật chuẩn ở trong lòng mỗi học sinh, mỗi người dân”, ông Độ nói.
Nhiều thay đổi với giáo dục THCS, THPT
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá năm nay là năm Bộ GD-ĐT ban hành, sửa đổi, bổ sung rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo liên quan đến giáo dục trung học mà thực tế giáo dục đòi hỏi, mong chờ lâu nay. 
Không chỉ dừng ở việc ban hành văn bản, lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học đã dành phần lớn thời gian hội nghị để lắng nghe và hướng dẫn, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của các Sở GD-ĐT xung quanh các quy định mới ban hành. 
Cụ thể, văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT theo hướng tinh giản với 10 môn học, đồng thời giảm từ 37 tuần thực học xuống chỉ còn 35 tuần/năm học.
Từ tháng 11 tới, Thông tư 26  thay đổi, bổ sung về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT chính thức có hiệu lực. Thay đổi quan trọng trong thông tư này là kết hợp đánh giá học sinh bằng nhận xét và điểm số; đa dạng hóa các hình thức đánh giá thường xuyên, giảm đầu điểm, áp dụng kiểm tra định kỳ bằng bài kiểm tra theo ma trận do Bộ GD-ĐT quy định hoặc bằng dự án học tập...
Ngày 15.9, Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS và THPT với nhiều thay đổi liên quan trực tiếp tới giáo viên và học sinh. Trong đó, tiếp tục tinh giản hồ sơ, sổ sách nhà trường, tăng cường ứng dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, siết chặt quản lý các xuất bản phẩm tham khảo đưa vào nhà trường.

Tăng cường đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục; củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá và thi; đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

Tháng 8 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn một số nội dung thực hiện giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động này trong trường trung học. Tạo điều kiện để giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Trong đó, đẩy mạnh giáo dục STEM tùy theo mức độ tương ứng với điều kiện giáo dục của mỗi nhà trường. Dự kiến tháng 10 tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố 10 mô hình giáo dục STEM để các nhà trường tham khảo, học tập.
Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: trên cơ sở chương trình (đã tinh giản) của Bộ GD-ĐT thực hiện thống nhất trên toàn quốc, các nhà trường bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bằng cách sắp xếp các bài học theo chủ đề phù hợp, trong đó có các chủ đề tích hợp liên môn, các bài học thực hành, thí nghiệm vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề cuộc sống, các hoạt động trải nghiệm…

Tiếp tục triển khai thực hiện việc dạy học qua internet, trên truyền hình đối với giáo dục trung học theo hướng dẫn tại công văn số 1061 ngày 25.3.2020 của Bộ GD-ĐT.

Chỉ đạo các nhà trường, giáo viên dạy học qua internet xây dựng các bài học điện tử để giao cho học sinh thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường mạng, ưu tiên các nội dung học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu.

Từ tháng 11 tới sẽ bắt đầu chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 mới để áp dụng cho năm học 2021 - 2022 trên cơ sở những sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Chuẩn hóa đủ đội ngũ giáo viên theo luật Giáo dục 2019. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.