Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra chặt thực nghiệm sách giáo khoa

30/10/2020 07:19 GMT+7

Tại buổi tọa đàm 'Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông' tổ chức chiều 29.10, nhiều ý kiến quan tâm làm sao để quy trình biên soạn, thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa chặt chẽ hơn.

Buổi tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức thu hút nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến sách giáo khoa.

Mở rộng đối tượng góp ý sách giáo khoa

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định sách từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
Theo ông Độ, một trong những nội dung quan trọng cần bổ sung là việc kiểm tra, giám sát quá trình thực nghiệm. Trước kia việc này giao cho các nhà xuất bản biên soạn SGK chủ động làm, tuy nhiên nếu có sự giám sát của Bộ thì sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, dù quy trình thẩm định chặt chẽ nhưng cũng cần mở rộng đối tượng góp ý bản thảo rộng rãi hơn, nên Bộ sẽ công bố bản mẫu để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt. Mục đích của việc làm này là có thêm nhiều người cùng tham gia nghiên cứu, phản biện thì khi ban hành sẽ hạn chế được những vấn đề gây tranh cãi.

Thực nghiệm từ 10 - 20% nội dung bài học

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc thực nghiệm khác với việc thí điểm vì yêu cầu đặt ra trong lần đổi mới chương trình, SGK lần này chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp mới trong chương trình hoặc SGK.
Ông Thành thông tin: Hồ sơ các nhà xuất bản gửi bản mẫu lớp 6 mới về Bộ để thẩm định đều có báo cáo cụ thể về thực nghiệm. Theo đó, bản mẫu ít nhất cũng phải 10% nội dung được thực nghiệm trước khi trình hội đồng thẩm định, có những bản mẫu tỷ lệ thực nghiệm lên tới 20% nội dung bài học. Về nguyên tắc, hội đồng thẩm định trước khi tiến hành cũng phải nhìn vào kết quả thực nghiệm rồi mới tiến hành thẩm định, nếu bản mẫu không đảm bảo yêu cầu về thực nghiệm thì sẽ không thẩm định.
Ông Thành cho biết SGK lớp 6 đang thẩm định vòng 2, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu trong quá trình thẩm định, những nội dung mà hội đồng thẩm định đề nghị tác giả chỉnh sửa, bổ sung nếu cần thiết thì phải tăng cường thảo luận, tranh luận. Mục tiêu cuối cùng là những tranh luận ấy phải giải quyết thấu đáo hơn, đi đến cùng một vấn đề.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh lại đề nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát lại quy trình chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm rõ hơn của những bên có liên quan, đặc biệt là của hội đồng thẩm định để làm sao SGK được phê duyệt phải tốt nhất, đáp ứng cao nhất mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.