Chương trình được truyền hình trực tuyến tại các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, giải đáp những thắc mắc của học sinh
ẢNH: HUY ĐẠT
TĂNG CÂU HỎI PHÂN HÓA, VẬN DỤNG KIẾN THỨC VÀO THỰC TIỄN
Tại chương trình, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ tăng câu hỏi phân hóa để kết quả kỳ thi sẽ đủ tin cậy để vừa xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học vừa cho phép thí sinh (TS) sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, giáo dục nghề nghiệp.
"So với các kỳ thi trước, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có những điểm mới. Cụ thể là đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp TS thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh", ông Chương thông tin.

Học sinh lớp 12 ở Đà Nẵng hào hứng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2025
ẢNH: HUY ĐẠT
Về tỷ lệ câu hỏi cơ bản và phân hóa trong đề thi, ông Chương cho hay đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có một số thay đổi quan trọng. Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học, tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt các định dạng mới là đúng/sai và trả lời ngắn.
Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4/3/3. Trong đó biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp THPT, hiểu và vận dụng khoảng 30% có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH.
Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội để xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của TS trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc.
THÍ SINH TỰ DO HỌC CHƯƠNG TRÌNH CŨ SẼ THI RA SAO ?
GS-TS Huỳnh Văn Chương cho biết việc bảo đảm quyền lợi cho các TS học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cũ (2006) là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này.
Cụ thể, trong năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi, trong đó một bộ theo Chương trình GDPT 2006 và một bộ theo Chương trình GDPT 2018.
Các TS học theo Chương trình 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình 2006 (tương tự đề thi năm 2024 và các năm trước đó).
Các TS học theo Chương trình 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình 2006 hoặc theo Chương trình 2018. Việc tổ chức cho các TS dự thi theo đề thi của Chương trình 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.
NHỮNG LỖI THÍ SINH THƯỜNG GẶP KHI THI TỐT NGHIỆP THPT
Trước câu hỏi những lỗi TS thường gặp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến sĩ Nguyễn Đức Quận, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, dặn dò: "Các em cần chuẩn bị đầy đủ thông tin, giấy tờ, thẻ dự thi, đi thi đúng giờ giấc, không đến trễ. Trong quá trình làm bài cần lưu ý quy định về giấy thi, chữ ký của giám thị, cách làm bài trắc nghiệm...".
GS-TS Huỳnh Văn Chương lưu ý thêm: "Tháng 3 các em sẽ đăng ký dự thi. Khi đăng ký dự thi cần đọc kỹ để đăng ký đúng. Trường THPT sẽ in thông tin cho các em đăng ký thử. Có nhiều ô lựa chọn, nhất là môn thi, các em cần cân nhắc kỹ để tránh sai sót khi vào hệ thống".
Khi làm bài thi, ông Chương khuyên TS thấy câu nào thuận lợi và chắc chắn thì nên làm trước. Có những môn chỉ 50 phút nên cần tính toán thời gian hợp lý, đừng sa vào câu khó bỏ qua câu dễ. Dùng bút chì tô đậm, tô đầy đủ. Đây là lỗi TS hay gặp khi thi trắc nghiệm, tô không đủ đậm là máy không nhận ra, gây cản trở trong quá trình chấm.

Thí sinh đặt câu hỏi tại chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra ở Đà Nẵng sáng qua
ảnh: Huy Đạt
LƯU Ý VỀ VIỆC KHÔNG QUY RA ĐIỂM CHỨNG CHỈ IELTS
Trước câu hỏi của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh về việc năm nay chứng chỉ IELTS không còn được quy thành điểm 10, GS-TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: "Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các em học tiếng Anh, vì đây là kỹ năng rất quan trọng để hỗ trợ các em học ĐH, làm việc và hội nhập quốc tế. Năm 2025, Bộ tiếp tục miễn thi ngoại ngữ nếu TS có chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên để đảm bảo tính công bằng cho TS các vùng miền, chứng chỉ này không được quy về điểm 10".
Theo ông Chương, nếu muốn xét tuyển ĐH, TS có chứng chỉ ngoại ngữ vẫn đăng ký ngôn ngữ đó để thi và bắt buộc lấy điểm thi này để xét tốt nghiệp; đồng thời các trường ĐH có quyền sử dụng chứng chỉ IELTS quy ra điểm để xét tuyển.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc ĐH Duy Tân, thông tin: "Mỗi trường quy điểm IELTS ra điểm để xét tuyển khác nhau. Nhiều chương trình đào tạo quốc tế yêu cầu TS phải đạt chuẩn ngoại ngữ, trong đó trường yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS mức điểm cụ thể. Các em cần xem tại đề án tuyển sinh của các trường để có thông tin chính xác".
Một TS khác quan tâm tới xét tuyển học bạ, đặt câu hỏi: "Năm nay không xét tuyển sớm thì TS xét học bạ sẽ nộp hồ sơ vào lúc nào?". Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay: "Đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh chính thức nên việc bỏ xét tuyển sớm vẫn đang còn là dự kiến. Tuy nhiên, cũng theo dự kiến, Bộ quy định các trường nếu xét học bạ phải sử dụng kết quả học tập của lớp 12. Như vậy phải đến gần cuối tháng 5 các em mới có kết quả học tập lớp 12".
Trong khi đó, Thanh Trang, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thắc mắc: "Em muốn thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM thì việc quy đổi điểm xét tuyển được thực hiện như thế nào?". Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin: "Số lượng TS đăng ký thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay khá đông. Bộ dự kiến năm nay các phương thức xét tuyển đều phải quy đổi về một thang điểm. Do các trường chủ động trong việc này nên mỗi trường có sự quy đổi khác nhau. Có thể trường này quy định 700 điểm đánh giá năng lực tương đương 25 điểm, có trường phải là 800 điểm. Giữa các ngành cũng có sự khác biệt về cách quy đổi, ngành "hot" điểm quy đổi thường cao hơn".
3 điều thí sinh cần lưu tâm
GS-TS Huỳnh Văn Chương khuyên TS cần lưu tâm 3 điều:
Hiểu rõ mục tiêu của chương trình: Chương trình GDPT 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.
Luyện tập với đề tham khảo: Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo, giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất: Đây là giai đoạn quan trọng, nhưng cũng dễ gây căng thẳng. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.

Bình luận (0)