Bộ GD-ĐT tiếp tục kiến nghị chưa tăng học phí ĐH công, các trường thu mức nào?

04/11/2022 12:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT tiếp tục có báo cáo kiến nghị học phí các trường đại học (ĐH) công lập năm học 2022-2023 không tăng so với mức thu năm học 2021-2022 trước đó.

Bộ GD-ĐT tiếp tục kiến nghị chưa tăng học phí đại học công lập năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ

Đ.N.T.

Học phí ĐH công lập năm học 2022-2023 dự kiến bằng mức 2021-2022

Năm học 2022-2023, học phí các trường ĐH công lập dự kiến giữ ổn định bằng với mức thu của năm học 2021-2022. Đó là một trong những nội dung điều chỉnh học phí năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hôm 2.11.

Theo đó, thời gian qua, Bộ GD-ĐT chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022-2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Riêng với học phí các trường đại ĐH công lập, nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022. Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023. Trong đó, riêng giáo dục ĐH công lập, Bộ GD-ĐT kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm một năm nhằm chia sẻ khó khăn với người học. Theo kiến nghị này, năm học 2022-2023 mức học phí của trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% so với năm học 2021-2022 (thấp hơn mức tăng theo Nghị định 81 là 25%).

Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa hôm 12.10 cũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.

Nếu không tăng, học phí ĐH công lập sẽ theo mức nào?

Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có quy định rõ mức thu học phí bậc ĐH năm học 2021-2022.

Theo đó, mức trần học phí năm học 2021-2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục ĐH công lập do nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020-2021.

Cụ thể, mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Như vậy, nếu kiến nghị của Bộ GD-ĐT về việc giữ ổn định mức thu học phí các trường ĐH công lập năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 được triển khai, thì học phí các trường ĐH được xây dựng bám sát vào mức trần trên. Các khối ngành thuộc đơn vị ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/tháng. Mức trần học phí trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ 2.050.000-5.050.000 đồng/tháng.

Khi đó, mức học phí mới sẽ thấp hơn nhiều so với mức trần học phí được quy định trong Nghị định 81. Theo nghị định này, năm học 2022-2023, mức trần học phí đơn vị ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng vọt so với năm học trước đó. Nhiều khối ngành có mức tăng từ hơn 20 đến gần 30% và đặc biệt khối ngành y dược tăng trên 70%.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nhà trường đã tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2022-2023 dựa vào Nghị định 81. Nếu có nghị quyết điều chỉnh học phí năm học, trường sẽ thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ.

Hiện một số trường ĐH đã thông báo chính thức không tăng học phí mà áp dụng mức thu bằng với năm học 2021-2022. Trong khi hầu hết các trường ĐH công lập còn lại đều thực hiện tạm thu trong khi chờ Nghị quyết của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.