Bộ GD-ĐT: Trẻ mầm non có nguy cơ chậm phát triển do không được đến trường

09/11/2021 13:12 GMT+7

Bộ GD-ĐT bày tỏ lo ngại trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển do không được đến trường; một bộ phận không nhỏ giáo viên mầm non tư thục bỏ việc khi không có lương.

Nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập không có lương

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội nêu thực tế: ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng.

Với giáo dục mầm non, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1,24 triệu trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.

Với trẻ mầm non, ở nhiều địa phương vì dịch bệnh trẻ không được đến trường, cũng không thể dạy học trực tuyến với lứa tuổi này, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.

Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non.

“Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển”, báo cáo của Bộ nêu.

Bộ GD-ĐT bày tỏ lo ngại khi trẻ mầm non phải nghỉ ở nhà kéo dài

ngọc thắng

Đề xuất chính sách bảo đảm chế độ cho giáo viên mầm non

Về giải pháp, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng để ổn định cuộc sống và động viên tinh thần giáo viên quay trở lại trường tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và gắn bó lâu dài với giáo dục mầm non.

Cụ thể, hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay.

Đồng thời, đề nghị xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.