Bỏ giấc mơ học đại học, xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp THPT

24/08/2022 06:03 GMT+7

Một số học sinh mới tốt nghiệp THPT không chọn con đường học đại học mà quyết định đi xuất khẩu lao động theo định hướng của gia đình hoặc ý định cá nhân.

“Áp lực” từ phía gia đình

Với suy nghĩ sẽ có mức thu nhập cao, nhiều gia đình đã định hướng, thậm chí thúc ép con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

T.K.K (một nữ sinh 16 tuổi ở tỉnh Trà Vinh) hiện vừa học xong lớp 10 nhưng gia đình đã định hướng cho em sang Nhật Bản ngay khi học hết lớp 12. “Em nghĩ rằng sang Nhật thì cũng chỉ làm công nhân như ở Việt Nam dù thu nhập có thể cao hơn. Nếu tốt nghiệp THPT rồi đi XKLĐ ngay thì sau này về nước em sẽ khó xin được việc làm. Vì thế, em muốn tiếp tục học đại học (ĐH) rồi tìm một công việc ổn định ở quê nhà”, K.K giãi bày.

Nhiều bạn trẻ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản

Thu Hằng

Một trường hợp khác là H.T.T.T, sinh viên Trường ĐH Trà Vinh, cho biết cũng không muốn sang nước ngoài làm việc, dù người thân từng đi XKLĐ ở Nhật Bản khuyên cô sang đó làm công việc chăm sóc người cao tuổi với thu nhập cao. Cô muốn làm ở Việt Nam nhưng gia đình kịch liệt phản đối, vô tình gây sức ép. “Sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi chỉ muốn tìm công việc đúng chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam”, T. chia sẻ.

Muốn giúp đỡ gia đình và học hỏi thêm kỹ năng

Trong khi đó, cũng có những học sinh từ bỏ giấc mơ học ĐH, muốn đi XKLĐ để phụ giúp gia đình.

Trần Duy Viên (24 tuổi), đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Đài Loan, cho biết: “Tôi chọn đi XKLĐ vì thu nhập hấp dẫn và muốn khám phá nền văn hóa khác”. Trước thực tế nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT chọn đi XKLĐ thay vì học ĐH, anh Viên cho rằng các bạn trẻ nên chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân, tìm hiểu công ty môi giới để tránh “tiền mất tật mang”.

Còn Đỗ Thành Hào (20 tuổi, đang làm việc tại Nhật Bản) quyết định đi XKLĐ ngay sau khi tốt nghiệp THPT vì muốn giúp đỡ gia đình cũng như học hỏi thêm kỹ năng. “Những bạn trẻ muốn sang Nhật Bản phải xác định rằng lao động chân tay sẽ không sung sướng như nhà tuyển dụng nói, phải có sức khỏe tốt thì mới trụ được”, Hào chia sẻ.

Đừng quá chú trọng vào thu nhập

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, cho biết học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đủ 18 tuổi, học thêm ngôn ngữ, kỹ năng nghề nghiệp là có thể đi XKLĐ.

“Trước khi đi, các bạn phải học ngoại ngữ và văn hóa, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ít nhất từ 3 - 6 tháng (nếu sang Nhật Bản) và từ 9 - 12 tháng (các nước châu Âu), tổng chi phí từ khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng”, ông Châu nói.

Thực tập sinh ngành xây dựng người Việt ở Tokyo (ảnh minh họa)

CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIAN

Bên cạnh đó, ông Châu lưu ý: “Ngành giáo dục hỗ trợ định hướng, phân luồng đào tạo cho học sinh ngay từ lớp 10. Những bạn nào không có khả năng học tiếp sẽ được định hướng học nghề hoặc đi XKLĐ sau khi tốt nghiệp THPT”.

Giải đáp thắc mắc “XKLĐ về nước khó tìm việc làm”, ông Châu cho rằng các bạn trẻ không nên quá chú trọng vào việc kiếm tiền mà nên tranh thủ rèn luyện kỹ năng làm việc ở nước ngoài. “Với số vốn nhất định, kiến thức, kinh nghiệm có được khi làm việc ở xứ người thì lúc về nước các bạn có thể xin việc làm hoặc khởi nghiệp”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, ông Châu khuyên những sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH không nên đi XKLĐ vì sẽ phí thời gian 4 năm và tốn thêm khoản chi phí như kể trên.

Hợp đồng XKLĐ chất lượng cao

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho hay: “Sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ nếu cảm thấy không đủ năng lực để du học có thể đi theo hợp đồng XKLĐ chất lượng cao”.

Theo ông Tuấn, trước đây XKLĐ thường được xem là “giải pháp tích cực” cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, không thể học tiếp ĐH. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình, chính sách XKLĐ đang dần chuyển đổi, hạn chế tiếp nhận lao động phổ thông mà chuyển sang nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chất lượng cao.

Ông Tuấn nhận định XKLĐ là chương trình có ý nghĩa, giúp giải quyết nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai, nhưng “không nên lý tưởng hóa mọi thứ”. “Quan trọng là các bạn phải biết học hỏi, phát triển bản thân, trau dồi kinh nghiệm thì sẽ thành công trong công việc dù làm việc ở đâu”, ông Tuấn chia sẻ.

Giải pháp cải thiện kinh tế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 12.4, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2022 ở cả nông thôn lẫn thành thị đều tăng khoảng 200 ngàn người, với tỷ lệ thiếu việc làm là 3,01%, tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị thấp hơn so với nông thôn (tương ứng 2,39% và 3,40%).

Báo cáo cho thấy lực lượng lao động tăng, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp cũng tăng theo, nhất là lao động độ tuổi 15 - 24 ở nông thôn. Điều này, cùng với vấn đề người có việc làm nhưng thu nhập không cao, dẫn đến nhiều người tìm cơ hội XKLĐ.

Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn, nhiều tỉnh thành phía nam, đơn cử là tỉnh Đồng Tháp, đã lấy XKLĐ làm giải pháp giải quyết việc làm, với chính sách cho người dân vay vốn để đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời chi phí đi XKLĐ cũng thấp hơn so với trước đây nên nhiều người lựa chọn giải pháp này để cải thiện kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.