Bạo lực học đường không còn là chuyện mới nhưng vấn nạn này ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng. Điều gì đang xảy ra ở những nơi “trồng người”?
Những cảnh như thế này không còn là hiếm trong môi trường giáo dục - Ảnh chụp từ video clip
|
Trong khi vụ việc một nhóm học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) đánh bạn bằng ghế còn chưa lắng xuống thì mới đây dư luận lại xôn xao trước clip đánh nhau như phim hành động của khoảng gần 20 nam sinh lớp 9, Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo Hiệu trưởng của Trường THCS Lý Tự Trọng, những học sinh đánh bạn đều có học lực khá, giỏi. Còn ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng THCS Phúc Diễn cho biết những em tham gia ẩu đả đều là những trò ngoan.
Nhiều người cho rằng thường chỉ có học sinh cá biệt mới đánh nhau thì nay còn có “con ngoan, trò giỏi” tham gia vào những cuộc ẩu đả đầy bạo lực như thế. Nếu không phải là hạnh kiểm thì tiêu chí nào để đánh giá độ “ngoan” của mỗi học sinh trong lớp? Nhà trường hiện nay thường căn cứ theo 2 chỉ số là học lực (để đánh giá trình độ) và hạnh kiểm (để xét đến phẩm chất đạo đức) mà xếp loại học sinh vào cuối năm học.
Từng là học sinh nên tôi hiểu rằng cách đánh giá hạnh kiểm không thực chất, còn mang tính cảm quan. Giáo viên chủ nhiệm thường dựa vào việc học sinh của mình đi học đều đặn, không nói chuyện riêng, đồng phục chỉnh tề... là xếp hạnh kiểm tốt. Quan trọng hơn, chính điều này đã “đánh lừa” các bậc phụ huynh khi họ tin rằng đó là cơ sở để cho thấy con em mình ngoan ngoãn, không “nổi loạn” ở trường. Từ đó hình thành nên tâm lý ỷ lại, phó mặc trách nhiệm dạy con cho thầy cô. Chỉ đến khi “cái kim lòi ra khỏi bọc” thì các bậc làm cha làm mẹ mới vỡ lẽ về những hành vi “vô đạo” của con cái mình.
Một số ý kiến trách móc thầy cô đã không có mặt kịp thời trong lúc học trò của mình “tung cước” với bạn. Tôi nghĩ rằng dù họ là những người có thể can thiệp và thay đổi tình hình trước nhất nhưng sự trách móc ấy chưa thấu đáo. Bởi lẽ, giáo viên chịu áp lực “trên đe dưới búa”, quản lý nhiều học sinh trong khi phải soạn giáo án, chấm điểm, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng đã “nghẹt thở”, đó là còn chưa kể tới những nỗi lo toan cho gia đình.
Tôi từng bị bạn cùng trường đánh chỉ vì... "nhìn thấy ngứa mắt" vào năm học lớp 12. Chính vì vậy, tôi thấu hiểu những vết thương lòng của các nạn nhân trong những vụ bạo lực học đường. Hiện mỗi lần về quê, tôi đều trò chuyện với những đứa cháu đang học cấp 2, cấp 3 xem có sự cố nào xảy ra ở trường và làng xóm, rồi cả chuyện rung động, bối rối ở tuổi “ẩm ương”. Tôi đã từng nghe đứa cháu học lớp 11 kể chuyện một nữ sinh dùng dao rọc giấy rạch vào lưng cô bạn lớp khác trong một cuộc đánh nhau để dằn mặt chuyện yêu đương. Thật bất ngờ khi cháu tôi cho biết thầy cô giáo chỉ đạo xóa hết tất cả clip liên quan, cấm không được tung lên mạng để... tránh nhà báo vì sẽ ảnh hưởng đến thi đua của trường lớp.
Vấn nạn bạo lực học đường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một nền giáo dục đang nặng dạy chữ mà coi nhẹ việc rèn người, dạy kỹ năng sống? Ngay từ những ngày đầu đến lớp, các em đã phải đánh vật với đủ thứ kiến thức sách vở hàn lâm, xơ cứng. Như vậy còn thời gian đâu để mà nhớ lời cha ông răn dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học để hiểu biết nhưng trước hết học để làm người, để chung sống. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Học sinh được học đạo đức là môn Giáo dục công dân. Nhưng môn này không được coi trọng khi giờ học quá ít so với các môn toán, lý, hóa... Trong khi đó, những bài giảng về đạo đức cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nặng tính giáo điều nên học sinh không mặn mà.
Trong khi bạo lực học đường đang nở rộ như một dịch bệnh suốt những năm qua thì dường như Bộ Giáo dục - Đào tạo bất lực với vấn nạn này? Sở dĩ nhà làm quản lý không tìm ra được “thuốc đặc trị” vì căn bệnh thành tích trầm kha đã đẩy nền giáo dục nước nhà đi “lạc hướng” ngày càng xa. Phương pháp đào tạo “lạc điệu” với hơi thở của cuộc sống hiện đại nên dù có phát động phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” cách đây mấy năm cũng không thể sửa được những chỗ hỏng trong “cỗ máy” giáo dục.
Vì không được rèn đức nên một bộ phận học sinh sống vị kỷ, dễ nổi loạn và gây hận thù. Do thiếu kỹ năng sống mà học sinh đánh bạn như là cách để trút giận, thỏa mãn tâm lý thống trị mà không biết đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân. Đồng thời thường dễ bị kích động và hành xử theo lối “bầy đàn”. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục - Đào tạo bỏ cách xếp loại hạnh kiểm, thay vào đó là dạy môn học kỹ năng sống cho học sinh để các em biết xử lý tình huống, như một cuộc đối thoại, thương lượng thay cho ẩu đả.
Bình luận (0)