Bộ Giáo dục ký kết thực hiện sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em

17/05/2019 16:05 GMT+7

Sáng 17.5, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết thực hiện sáng kiến "chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học giai đoạn 2018-2022".

Chủ trì lễ ký kết thực hiện sáng kiến "chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học giai đoạn 2018-2022" có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam. Cùng dự còn có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL cùng nhiều cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế.
Theo biên bản ký kết, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam sẽ hợp tác triển khai một số các nội dung, chương trình, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố. Sự hợp tác này tập trung đẩy mạnh giáo dục thay đổi hành vi cho giáo viên và học sinh, hướng đến xây dựng và duy trì một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phi bạo lực.
Đánh giá cao nỗ lực của Tổ chức Tầm nhìn thế giới trong việc thực hiện sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: "Thỏa thuận hợp tác có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực đối với trẻ em, qua đó góp phần đảm bảo an sinh cho trẻ em Việt Nam".
Bộ GD-ĐT và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam sẽ phối hợp đưa vào nhà trường những kiến thức, kĩ năng giúp giáo viên và học sinh ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trong trường học. Hai bên sẽ phối hợp để giới thiệu phương pháp giáo dục tích cực cho đội ngũ giáo viên. Đối với học sinh, giáo dục thay đổi hành vi sẽ được đặc biệt chú trọng để giúp các em nhận biết nguy cơ bạo lực, từ đó nâng cao khả năng xử lý tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra thực trạng thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực học đường vẫn xảy ra tại nhiều nơi và có diễn biến phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến thể chất, đến tinh thần của trẻ và ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Bạo lực có tác hại vô cùng lớn đối với trẻ em, không chỉ ảnh hưởng về thể chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Theo bà Nghĩa, những trẻ bị bạo lực ở gia đình và ở trường học thì thường sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi khi trưởng thành. Có thể những đứa trẻ bị bạo lực sau này sẽ thành người gây bạo lực với người khác, gây tác hại lớn đối với xã hội. Vì vậy cần thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa để chấm dứt tình trạng bạo lực với trẻ em, cần sự chung tay của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực.
Thỏa thuận được ký kết thể hiện một nỗ lực để đảm bảo môi trường cho trẻ từ gia đình đến nhà trường được an toàn, lành mạnh. Khi trẻ được sống, được học tập, rèn luyện, vui chơi trong môi trường gia đình, nhà trường an toàn lành mạnh thì trẻ sẽ phát triển toàn diện về phẩm chất năng lực, để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.