Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Dự thảo này do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Sẽ thay thế hơn 6.000 xe hạng B?
Bộ GTVT cho biết, điều 40 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1.1.2025) quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 9 người trở lên (không kể người lái xe).
Như vậy, xe tập lái và xe sát hạch dùng để dạy lái xe và sát hạch lái xe các hạng C1, C, D1, D2 và D thuộc nhóm xe phải tuân thủ yêu cầu về niên hạn sử dụng. Riêng xe tập lái và xe sát hạch hạng B không thuộc phạm vi điều chỉnh về niên hạn.
Bộ GTVT dẫn số liệu thực tế cho thấy, số lượng xe tập lái hạng B hiện đang chiếm 85% tổng số xe tập lái, tương ứng khoảng 32.000 xe. Số lượng xe sát hạch hạng B cũng chiếm đến 72% tổng số xe sát hạch, tương ứng khoảng 2.424 xe.
Số lượng xe đào tạo và sát hạch hạng B là rất lớn. Trong khi đó, người điều khiển phương tiện lại chưa có đầy đủ kỹ năng, khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ còn yếu. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái xe.
Từ thực tiễn đã nêu, Bộ GTVT đề xuất áp niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B là 25 năm (tính từ năm sản xuất). Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe phải đáp ứng điều kiện về niên hạn của xe trước ngày 1.1.2028.
Theo tính toán của Bộ GTVT, xe tập lái hạng B có tuổi đời trên 25 năm hiện nay khoảng 6.000 xe (chiếm 30%), xe sát hạch có tuổi đời trên 25 năm khoảng 100 xe (chiếm 8%).
Mỗi năm chi phí khoảng 700 tỉ đồng
Bộ GTVT nhận định, nếu không quy định về niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông. Việc đánh giá kỹ năng điều khiển phương tiện của thí sinh khi sát hạch cũng không đảm bảo sự khách quan.
Ngược lại, quy định như dự thảo sẽ giúp hiện đại hóa xe tập lái, xe sát hạch (cơ sở vật chất) trong công tác đào tạo và sát hạch lái xe. Đồng thời tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học lái xe cũng như thí sinh tham gia sát hạch lái xe.
"Việc người lái học lái xe được thực hành trên phương tiện mới sẽ giảm số lượng người chết và bị thương dẫn đến giảm chi phí xã hội", cơ quan soạn thảo kỳ vọng.
Bên cạnh mặt tích cực, quy định như dự thảo sẽ dẫn tới phát sinh chi phí đầu tư cho các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe.
Với số lượng cần thay thế khoảng 6.000 xe hạng B như đã nêu, mỗi xe trị giá khoảng 350 triệu đồng, Bộ GTVT tính toán nguồn kinh phí cần có là khoảng 2.100 tỉ đồng.
Lộ trình dự kiến thực hiện là 3 năm. Tính trung bình mỗi năm, nguồn kinh phí dự kiến khoảng 700 tỉ đồng.
Bắt buộc học tại cơ sở đào tạo lái xe
Điều 60 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe. Chính phủ quy định chi tiết "các hình thức đào tạo lái xe khác."
Theo Bộ GTVT, thế giới hiện có 2 hình thức đào tạo lái xe. Một là người học đăng ký và được cơ sở đào tạo lái xe quản lý và tổ chức đào tạo (được áp dụng ở hầu hết các quốc gia). Hai là người học tự đăng ký học với người đã được cấp giấy phép lái xe và có số năm kinh nghiệm lái xe, không cần thông qua cơ sở đào tạo (áp dụng ở các nước mà người dân có tính tự giác cao).
Tại Việt Nam, Bộ GTVT đánh giá, đặc điểm giao thông hỗn hợp, tai nạn ở mức cao, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sự nghiêm túc trong việc tự học và kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông còn thấp.
Vì thế, việc bắt buộc phải đăng ký học lái xe tại các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát là cần thiết. Dự thảo nghị định không quy định "hình thức đào tạo lái xe khác".
Bình luận (0)