Như Thanh Niên đã đưa tin về việc Bộ trưởng Bộ Giao thôn vận tải tự kiểm điểm, nhận hình thức “phê bình nghiêm khắc” vì để chậm thu phí tự động không dừng, khi đến nay chưa được một nửa trong số 93 trạm BOT triển khai thu phí không dừng, trong khi Quốc hội yêu cầu phải hoàn thiện toàn bộ vào cuối 2019.
Mới có 800.000 - 900.000 xe dán thẻ
Về tồn tại, hạn chế dẫn đến tình trạng trên, báo cáo của Chính phủ thừa nhận “tiến độ thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Thủ tướng”.
Số lượng xe dán thẻ cũng chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe), dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí tự động không dừng đã lắp đặt.
Các trạm do địa phương quản lý thì việc tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ còn vướng mắc, lúng túng (nếu địa phương tổ chức đấu thầu lựa chọn thời gian sẽ lâu, hiệu quả kinh tế không cao và không đáp ứng được tiến độ).
Báo cáo chỉ ra 7 nguyên nhân khách quan, bao gồm, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh; nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu, chưa tăng được phí theo lộ trình; vướng mắc của VEC; chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện; và số lượng phương tiện tham gia quá thấp.
“Kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có”
Có 4 nguyên nhân chủ quan được đề cập đến. Thứ nhất là dự án thu phí tự động không dừng theo hình thức Hợp đồng BOO là hình thức đầu tư mới, phức tạp, liên quan đến lợi ích nhiều chủ thể, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm thực tế, nên trong quá trình tham mưu Thủ tướng ban hành Quyết định số 07/2017 còn có một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc hoàn thiện các thủ tục để nhà cung cấp dịch vụ triển khai lắp đặt hệ thống ETC tại các trạm BOT gặp nhiều khó khăn, vương mắc do các Họp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng, nên cần ký phụ lục với tất cả các nhà đầu tư, mà quá trình đàm phán phụ lục phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.
Thứ ba là quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP rất phức tạp, dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 mất rất nhiều thời gian (tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư B002 mất 10 tháng...).
Thứ tư là “kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có”, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Bổ sung chế tài dừng thu phí với các trạm không triển khai
Tuy có nhiều tồn tại, nhưng theo Chính phủ, đến nay, cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã và đang được giải quyết, đã có sự thống nhất đồng thuận của các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch, ngân hàng tài trợ vốn, tiến độ dự án trong thời gian gần đây có nhiều chuyển biến khả quan.
Các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và một số trạm cửa ngõ có lưu lượng lớn đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, bước đầu tạo được sự thuận lợi cho người sử dụng.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng lộ trình, giải pháp để triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trong năm 2020.
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến quá trình thực hiện dự án thông qua việc sửa đổi Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng, trong đó “tập trung tháo gỡ một số nội dung vướng mắc chính” như đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống thiết bị ETC tại trạm thu phí, hạn chế xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ, thông qua việc quy định nhà đầu tư BOT có thể đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống thiết bị ETC tại trạm để kết nối với trung tâm dữ liệu do nhà cung cấp dịch vụ thu phí đầu tư.
Bộ GTVT cũng sẽ chưa yêu cầu lắp đặt ngay 100% số làn ETC, mà duy trì tối thiểu 1 làn thu phí hỗn hợp (cả thu phí không dừng, cả thu phí 1 dừng) hoặc 1 làn thu phí một dừng/1 chiều xe chạy tại mỗi trạm thu phí.
Bộ cũng sẽ bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với các trạm thu phí không thực hiện việc triên khai thu phí không dừng đúng tiến độ yêu cầu.
Kéo dài thời gian thu phí để bù đắp chi phí triển khai thu không dừng?
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, do thực trạng các dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu dẫn đến có ảnh hưởng tới phương án tài chính của các dự án BOT và dự án BOO.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tài chính cho dự án thu phí không dừng, Bộ GTVT đề xuất giải pháp, trong trường hợp việc trích chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng không đảm bảo tính khả thi theo phương án tài chính của dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền “xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ, để kinh doanh để hoàn vốn cho dự án thu phí điện tử không dừng.
Bộ cũng hướng đến việc tạo thuận lợi trong quá trình đàm phám các hợp đồng dịch vụ thu phí giữa các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ cũng như phù họp với thực tế, đề xuất thêm quy định liên quan đến chi phí quản lý thu phí ETC và chi phí quản lý, giám sát công tác thu phí của các nhà đầu tư BOT.
Thực hiện nghiêm túc việc phân làn giao thông tại các trạm thu phí theo hướng xe không dán thẻ không được đi vào làn ETC để khuyến khích chủ phương tiện tham gia dịch vụ thu phí không dừng.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Thanh Niên đã đưa tin việc Công ty TNHH thu phí tự động VETC - doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1) đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng thu phí không dừng, do quá lỗ.
Theo VETC, lỗ lũy kế của DN này đến 30.9 là 300 tỉ, do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch.
Do đó, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án tiếp tục triển khai thực hiện. Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, Công ty VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Trên thực tế, vướng mắc mấu chốt nhất khiến dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 liên tục gặp vấn đề, là do mâu thuẫn trong trích lập doanh thu giữa VETC và các nhà đầu tư BOT.
Các nhà đầu tư BOT cho rằng, mức trích lập doanh thu tính trên tổng doanh thu dự án quá cao. Hiện với những trạm nhà đầu tư tự đầu tư, lắp đặt hệ thống vẫn phải trích lập cho VETC thấp nhất là 0,6%, cao nhất là khoảng 3% phí kết nối. Với những trạm do VETC đầu tư lắp đặt thiết bị, chi phí trích lại cho VETC là 5 - 7%.
|
Bình luận (0)