Bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

20/09/2022 06:15 GMT+7

Ngày 19.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, cho ý kiến về luật Giá sửa đổi.

Giữ Quỹ bình ổn vì “rất cần thiết”

Tờ trình dự án luật do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, Chính phủ đề nghị duy trì Quỹ bình ổn (QBO) giá xăng dầu vì rất cần thiết để điều hành giá xăng dầu trong nước.

Việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến chưa ngã ngũ

Nhật Thịnh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban này tán thành với đề xuất của Chính phủ vì cho rằng QBO là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, vừa qua đã phát huy vai trò “điều hòa” và đây cũng là mô hình nhiều nước sử dụng để ổn định giá xăng dầu. Do đó, việc bỏ quỹ là chưa phù hợp.

Ngược lại, một số ý kiến đề nghị bỏ quỹ này vì cho rằng việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa. Trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao.

“Bỏ thì thế nào, giữ thì thế nào”

Cho ý kiến sau đó, nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đề nghị phải đánh giá lại hiệu quả của QBO giá xăng dầu thời gian qua. “Báo cáo thẩm tra cũng có kiến nghị nếu tiếp tục giữ quỹ thì phải rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống mới bám sát giá thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Bộ GD-ĐT sẽ định giá SGK

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đồng tình với đề xuất, song cho biết hiện có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân. Ủy ban này cũng đề nghị, kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng SGK hiện do nhiều đơn vị, nhà xuất bản phát hành nên để đảm bảo tính thị trường, cạnh tranh, về lâu dài Bộ GD-ĐT cần xây dựng một bộ SGK của nhà nước và định giá bộ sách này.


Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị đánh giá kỹ “bỏ thì thế nào, giữ thì thế nào”. “Nên chăng trong tờ trình nói rõ trong quá trình dự thảo có ý kiến khác nhau và cách xử lý của Chính phủ thế nào. Chính Bộ Tài chính đề xuất bỏ quỹ này, đến giờ này Chính phủ để lại. Chỗ này chưa thấy tổng kết đánh giá”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, QBO có tác dụng lớn trong quá trình bình ổn giá xăng dầu vừa qua, nhất là những tháng đầu năm 2022. “Nếu không dựa vào QBO giá xăng dầu mà chỉ dùng công cụ thuế, phí thì không còn nguồn thu nhà nước. Cho nên chúng tôi muốn giữ quỹ này”, ông Phớc nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.