Bỏ học nghề vì chán học các môn văn hóa

26/06/2014 03:00 GMT+7

Công tác phân luồng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, thực tế mới chỉ có khoảng 3% đối tượng này chịu đăng ký vào các trường nghề và TCCN.

Khoảng 50% bỏ học


Vẫn còn ít học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề - Ảnh: Mỹ Quyên 

Theo quy chế đào tạo TCCN, học sinh (HS) tốt nghiệp bậc THCS theo học bậc TCCN sẽ phải học từ 3 - 4 năm, bao gồm học chương trình văn hóa và chương trình giáo dục chuyên nghiệp. Đây chính là áp lực lớn nhất đối với HS, khi phải vừa học nghề vừa học các môn mà mình vốn không theo nổi ở bậc phổ thông.

Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Các em phải lựa chọn học nghề do sức học văn hóa vốn rất yếu. Nay vào trường lại vẫn phải duy trì một số môn nên cả thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. HS thường bỏ học nhiều nhất trong 4 học kỳ đầu do không theo nổi”. Ông Quản nhận định, những HS này rất yêu thích và hăng say khi học nghề, nhưng đến khi học các môn như toán, văn, lý, hóa thì có tâm lý chán nản, lười học, bỏ học.

Tại các trường nghề, tình trạng này cũng gây mệt mỏi không kém. Ông Dương Minh Kiên, nguyên Hiệu trưởng Trường TC nghề Quang Trung, chia sẻ: “Trường quy định các em học 4 môn văn hóa trong vòng 1 năm học nhưng HS không học nổi nên sau đó phải rải ra trong 1 năm rưỡi và xen kẽ với nghề. Đa số các em mất căn bản, sức học yếu nên giáo viên phải kèm rất kỹ. Tuy nhiên, nhiều HS đã bỏ học. Những em còn trụ lại thi tốt nghiệp văn hóa cũng chỉ được 50% đạt trong đợt thi đầu tiên, còn lại phải thi lần 2, 3 mới qua được”.

Trong số 250 HS tốt nghiệp THCS theo học TC nghề tại Trường CĐ Nghề TP.HCM, có đến gần 50% đã bỏ giữa chừng. Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng trường, cho hay: “Thực sự là đào tạo các em khó khăn hơn rất nhiều vì phải dạy thêm các môn văn hóa. Tuy nhiên, không thể bỏ các môn này được vì đây là yêu cầu bắt buộc để sau này các em đủ điều kiện liên thông lên bậc học cao hơn nếu có nhu cầu”.

Vừa dạy vừa dỗ

Một giáo viên toán Trường CĐ Nghề TP.HCM tâm sự: “Nhiều hôm đi dạy mà lớp nghỉ quá nửa, rồi dạy hoài các em cũng không hiểu, tôi rất buồn. Tuy nhiên, cũng thương các em, muốn các em hoàn thành được chương trình để có thể ra trường, có được một nghề nghiệp trong tay nên chúng tôi vẫn kiên trì bám lớp”.

Giáo viên chủ nhiệm của các lớp học này không khác gì những bảo mẫu lớn của HS. “Chúng tôi thường chọn giáo viên chủ nhiệm là các thầy cô lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm để có thể vừa dạy vừa dỗ. Bên cạnh đó, trường cũng thay đổi cấu trúc chương trình học. Thay vì học xong các môn văn hóa mới học nghề, thì nay trường sắp xếp học song song, xen kẽ với các tiết thực hành để tránh nhàm chán và bớt áp lực cho các em”, tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa chia sẻ.

Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn còn thành lập Hội cha mẹ HS, làm cầu nối giữa nhà trường với gia đình để động viên kịp thời những trường hợp học hành sa sút hoặc có ý định bỏ học, khó khăn trong cuộc sống…

Mỹ Quyên

>> Việt Nam cần xây dựng hệ thống dạy nghề chất lượng
>> Sôi động ngày hội hướng nghiệp, dạy nghề
>> Dạy nghề miễn phí cho thanh niên
>> Thành lập Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.