Bờ kè gần trăm tỉ chống sạt lở liên tục… sạt lở

27/05/2023 06:06 GMT+7

Kè chống sạt lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) được đầu tư hơn 90 tỉ đồng nhưng liên tục bị sạt lở. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp khắc phục.

Kè chống sạt lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành được tỉnh Đồng Tháp đầu tư năm 2015, với chiều dài 850 m, kinh phí hơn 90 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Sở NN-PTNT; Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp là đơn vị giám sát dự án.

BỜ KÈ "BẤT ỔN" VẪN CHƯA ỔN

Vào các năm 2019, 2021 và 2022, các đoạn bờ kè khu vực chợ Bình Thành đã sạt lở 3 lần với tổng chiều dài 100 m. Hiện, đoạn kè dài 30 m nằm trong khu vực rạch Cái Dầu lại tiếp tục sạt lở, bong tróc vỉa hè và phần đỉnh kè bê tông bị nghiêng ra bờ sông.

Gần đây, để xử lý đoạn kè mới lở, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cùng các ngành liên quan đến hiện trường khảo sát và chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND H.Thanh Bình có giải pháp xử lý sụp lún, nghiêng bờ kè.

Bờ kè gần trăm tỉ chống sạt lở liên tục… sạt lở  - Ảnh 1.

Đoạn bờ kè chợ Bình Thành (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) dài 30 m trong rạch Cái Dầu bị sạt lở, nghiêng đỉnh kè ra bờ sông

TRẦN NGỌC

Ông Trần Chí Tâm (ngụ xã Bình Thành, H.Thanh Bình) cho biết: "Đoạn kè này bị sụt lún 4 lần rồi. Ba lần sụt lún trước được khắc phục, còn lần bị sạt lở này quá sâu, nhìn ghê quá. Năm 2019, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng xây nhà, thấy có kè khang trang tôi mừng lắm. Giờ bờ kè sạt lở hoài, ăn ngủ không yên".

Theo hồ sơ, năm 2019, khi đơn vị thi công là Công ty CP Nhân Bình (trụ sở ở Hà Nội) đang thi công phần thân kè, lát mái kè, hệ thống lan can, vỉa hè, thoát nước… thì một đoạn thân kè dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 9 m bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Tiền. Đến tháng 4.2021, một đoạn chân kè dài 60 m gần đó tiếp tục sạt trượt ra lòng sông. Đến năm 2022, tại vị trí đoạn kè sạt trượt năm 2021 tiếp tục sạt trượt đỉnh kè ra bờ sông dài khoảng 60 m.

Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân làm đoạn kè dài 30 m sạt lở gần đây là do quá trình thi công cầu Cái Dầu thuộc dự án đường Đ8, từ Cụm công nghiệp Bình Thành đến đường bến đò Bình Thành (công trình do Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất H.Thanh Bình làm chủ đầu tư - PV) gây ra.

"Từ khi nghiệm thu kè đưa vào sử dụng đến trước khi thi công cầu rạch Cái Dầu thì chưa phát hiện kè chuyển vị. Do khu vực này có địa chất yếu, khả năng chịu tải kém, dễ bị biến dạng khi có tác động của ngoại lực, nên khi đóng cọc mố cầu rạch Cái Dầu sâu 38 m, chỉ cách đỉnh tường kè khoảng 6 m thì lực xung động làm biến dạng lớp đất yếu, gây chuyển vị, sụp nghiêng đỉnh kè. Chúng tôi yêu cầu tháo dỡ, giảm tải phần đỉnh kè đã chuyển vị để lên phương án thiết kế, khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu", ông Ngoan nói.

Bờ kè gần trăm tỉ chống sạt lở liên tục… sạt lở  - Ảnh 2.

Đoạn bờ kè chợ Bình Thành dài 60 m bị sạt trượt đỉnh kè ra bờ sông vừa được khắc phục hoàn thành bằng sàn bê tông

TRẦN NGỌC

TỐN HÀNG CHỤC TỈ ĐỒNG CHỐNG SẠT LỞ KÈ

Bờ kè chợ Bình Thành có 2 gói thầu xây lắp, gồm: gói thầu xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông giá trị hơn 53,5 tỉ đồng, được chỉ định cho Công ty CP Nhân Bình thi công, hoàn thành cuối năm 2017. Sau đó, công ty này tiếp tục thi công phần thân và đỉnh kè với giá trị gần 25 tỉ đồng. Khi chưa thi công phần thân và đỉnh kè hoàn thành thì tháng 5.2019, một đoạn kè dài 40 m sụp hoàn toàn xuống sông.

Tổng kinh phí khắc phục sạt lở đoạn kè này gần 7,6 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị thi công là Công ty CP Nhân Bình chịu hơn 3,4 tỉ đồng; tư vấn thiết kế công trình là liên danh Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chịu hơn 750 triệu đồng; Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chịu 5% chi phí, còn lại dùng chi phí từ dự án khắc phục hơn 3 tỉ đồng.

Riêng vụ sạt lở đoạn bờ kè dài 60 m trong 2 năm 2021 và 2022, chi phí khắc phục gần 13 tỉ đồng. Từ kết quả đánh giá sự cố trên có yếu tố khách quan chiếm tỷ lệ khoảng 66,7% và yếu tố chủ quan chiếm tỷ lệ khoảng 33,3%. Chủ đầu tư bờ kè đang xem xét phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để góp kinh phí khắc phục theo quy định.

Ngoài ra, quá trình triển khai xây dựng bờ kè chợ Bình Thành, ngoài phần 90 tỉ đồng đầu tư thực hiện bờ kè theo quyết định của tỉnh Đồng Tháp năm 2015, năm 2020 tỉnh ban hành thêm quyết định xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy phát sinh giáp chân kè Bình Thành dài 260 m, với kinh phí gần 19 tỉ đồng từ ngân sách để bảo vệ bờ kè.

Như vậy, chỉ 850 m bờ kè nhưng nhiều lần bị sạt lở, đã đội vốn sửa chữa, khắc phục khoảng 30 tỉ đồng so với ban đầu. Số vốn xây và khắc phục sạt lở bờ kè này có thể tăng thêm, khi đang có đoạn sạt lở mới cần xử lý.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 26.5

LÀM GÌ ĐỂ BỜ KÈ ỔN ĐỊNH LÂU DÀI ?

Ông Võ Thành Ngoan cho biết qua kiểm định có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công trình kè Bình Thành.

Nguyên nhân khách quan do công trình thuộc đoạn có hình thái sông cong, co hẹp, địa tầng đất yếu, chế độ dòng chảy phức tạp tạo ra dòng chảy xoáy làm lở lòng sông phía chân kè. Mặt khác, do khai thác cát thượng nguồn và hạ lưu, khai thác thủy sản của các ghe cào, các phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông trong hành lang bảo vệ công trình tác động đến công trình.

Về chủ quan, do thiết kế kè chưa đánh giá hết những yếu tố bất lợi, nhất là thiếu sót trong công tác khảo sát, thu thập số liệu phục vụ thiết kế kè. Việc thi công tạo mái kè bằng bao cát chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật do vận tốc dòng chảy lớn, lòng sông sâu cũng ảnh hưởng đến công trình. Cần phải thực hiện chỉnh trị dòng chảy bằng hệ thống phản áp ngầm dưới chân kè để giảm áp lực nước vào bờ. Ngoài ra, cũng cần phải nạo vét chỉnh trị dòng chảy bờ sông bồi đối diện phía tỉnh An Giang để công trình ổn định lâu dài.

Theo kết quả kiểm định công trình, ngoài yếu tố khách quan do dòng sông, địa hình… thì yếu tố chủ quan trong thi công công trình cũng là nguyên nhân sạt lở. Dư luận quan tâm vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan sẽ bị xử lý ra sao. Bởi công trình kè chống sạt lở đã hoàn thành mà phải tốn thêm rất nhiều kinh phí để khắc phục sạt lở là khó chấp nhận. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.