Bộ lạc biệt lập trong rừng Amazon

19/07/2024 06:10 GMT+7

Những hình ảnh hiếm hoi cho thấy sự xuất hiện của bộ lạc Mashco Piro trong rừng Amazon ở Peru, nơi họ đối diện tình trạng khai thác gỗ từ bên ngoài.

Tổ chức Survival International (trụ sở tại Anh) vừa công bố hình ảnh hiếm hoi của những người Mashco Piro, bộ lạc bản địa tại vùng rừng núi Amazon ở Peru. Bộ lạc này sống khép kín, hầu như không tiếp xúc với bên ngoài và còn bắn tên vào những ai muốn tiếp cận, theo tờ New York Post.

Sống tách biệt

Người Mashco Piro sống ở khu vực nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Madre de Dios của Peru. Trong những năm gần đây, người bộ lạc này từng bắn tên vào các tàu du lịch và thậm chí bắn "mũi tên cảnh báo" vào nhân viên kiểm lâm ở Vườn quốc gia Manu. Bạo lực lên đến đỉnh điểm khi các thành viên bộ lạc giết chết một thành viên của bộ lạc khác là Nicolas Flores khi người này đang tìm cách liên lạc với họ. Tuy nhiên, vẫn có một số thành viên của bộ lạc đã ra khỏi rừng để thử buôn bán dao rựa và thực phẩm với người dân các ngôi làng gần đó.

Lộ diện bộ lạc Amazon lạc chưa từng tiếp xúc bên ngoài, bắn tên vào người lạ

Những hình ảnh mới nhất được chụp vào cuối tháng 6 tại khu vực ven sông Las Piedras, vùng Madre de Dios phía đông nam Peru và gần biên giới với Brazil. Hơn 50 người Mashco Piro xuất hiện trong những ngày này gần làng Monte Salvado của người Yine. Một nhóm 17 người khác xuất hiện tại khu vực làng Puerto Nuevo gần đó.

Bộ lạc biệt lập trong rừng Amazon- Ảnh 1.

Những người Mashco Piro xuất hiện ven sông Las Piedras hồi tháng 6

Reuters

Nỗi lo thảm họa?

Tổ chức Fenamad (Peru) chuyên bảo vệ quyền lợi người bản địa cho rằng bộ lạc sống khép kín này ra khỏi rừng nhiệt đới thường xuyên hơn trong những tuần gần đây để tìm kiếm thức ăn, dường như đang tránh xa sự hiện diện ngày càng tăng của những người khai thác gỗ. Theo bà Caroline Pearce, Giám đốc Survival International, một số công ty có giấy phép khai thác gỗ trong những khu vực có người Mashco Piro sinh sống, có nơi rất gần địa điểm họ vừa xuất hiện gần đây. Công ty Canales Tahuamanu thậm chí đã xây hơn 200 km đường cho xe tải chở gỗ.

Khu vực của người Mashco Piro sống không xa nơi ở của người Yine. Người Yine có ngôn ngữ tương tự nhưng tiếp xúc với bên ngoài và từng kể rằng những người Mashco Piro rất tức giận vì sự xuất hiện của các nhóm khai thác gỗ. "Đây là thảm họa nhân đạo đang xảy ra, điều sống còn là những người khai thác gỗ cần rút hết và lãnh thổ của người Mashco Piro được bảo vệ", theo bà Pearce. Chủ tịch Alfredo Vargas Pio của Tổ chức Fenamad lo ngại rằng những công nhân khai thác gỗ có thể mang mầm bệnh đến xóa sổ nhóm người bản địa này, chưa kể nguy cơ bạo lực từ cả hai phía.

Bộ lạc biệt lập trong rừng Amazon- Ảnh 2.

Những người Mashco Piro xuất hiện ven sông Las Piedras hồi tháng 6

Survival International

"Đây là bằng chứng không thể chối cãi về việc người Mashco Piro sống trong khu vực, nơi chính phủ không bảo vệ được mà trên thực tế lại bán cho các công ty gỗ", ông chỉ trích. Theo Survival International, những bên ủng hộ người bản địa đang kêu gọi chính quyền rút giấy phép của các công ty gỗ. Chính phủ Peru hôm 18.6 cho biết người dân địa phương đã nhìn thấy người Marshco Piro ven sông Las Piedras, nhưng chưa đưa ra thêm bình luận.

Quá khứ đau thương

Sống sâu trong rừng nhiệt đới ở đông nam Peru, người Mashco Piro được cho là nhóm đông dân nhất thế giới trong số khoảng 100 bộ lạc chưa tiếp xúc với bên ngoài, với hơn 750 người. Theo Survival International, họ từng phải trốn tránh khi những ông trùm cao su xâm chiếm lãnh thổ vào thập niên 1880 trong thời kỳ "bùng nổ cao su" ở miền tây Amazon. Hàng ngàn người bản địa bị hãm hiếp, đánh đập, sát hại và bị bắt làm nô lệ. Nhiều người Mashco Piro lẩn trốn vào rừng, tìm kiếm đầu nguồn của những con sông xa xôi để ẩn náu và không liên lạc với bên ngoài. Năm 2002, chính phủ Peru lập Khu bảo tồn lãnh địa Madre de Dios để bảo vệ rừng của người Mashco Piro. Tuy nhiên, khu bảo tồn chỉ chiếm 1/3 diện tích mà Tổ chức Fenamad đề xuất, nên những khu vực lãnh thổ rộng lớn của họ vẫn chưa được bảo vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.