Bộ làm, dân chịu

14/06/2018 05:11 GMT+7

Thừa nhận 17 trạm thu phí BOT có vị trí bất hợp lý nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ tạm thời đề xuất xóa bỏ 1 trạm vì những lý do như ngân sách khó khăn, vì lịch sử để lại, vì đã miễn giảm phí. Những lý do này nghe rất... bất hợp lý.

Bởi về nguyên tắc, cái gì bất hợp lý thì phải điều chỉnh cho nó hợp lý.
Đặc biệt, những bất hợp lý gây ảnh hưởng lớn đến người dân, đến xã hội lại càng phải nhanh chóng điều chỉnh. Nếu sự bất hợp lý này do chưa có quy định, do chính sách lỏng lẻo thì hướng giải quyết là phải có lợi cho người dân. Còn chuyện "lịch sử để lại", chuyện thiếu tiền, việc sẽ hoàn thiện chính sách như thế nào... là việc của Bộ. Chứ không thể Bộ duyệt vị trí bất hợp lý nhưng bây giờ lại viện lý do này, lý do kia để người dân, doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội phải gánh thay như trong trường hợp nói trên.
Quan trọng hơn là phải truy trách nhiệm xem ai là người đã ký duyệt việc đặt sai vị trí 17 trạm BOT nói trên. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nếu bỏ trạm trên các tuyến quốc lộ, nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỉ đồng. Vậy nếu tính tất cả các trạm đặt nhầm chỗ, số tiền còn lớn hơn rất nhiều, nên không thể xuê xoa, nhất là khi người dân đang tiếp tục phải đóng phí cho cái sự đặt nhầm chỗ này.
Quan trọng hơn nữa là nếu không truy trách nhiệm và có chế tài nghiêm minh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình thức đầu tư BOT, một hình thức về bản chất là ích nước, lợi dân; một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và nhiều năm tới, BOT vẫn là giải pháp cần thiết để huy động vốn làm cầu, làm đường, làm các công trình hạ tầng. Thế nhưng, những biến tướng của BOT, những lợi ích nhóm chi phối đằng sau các dự án BOT khiến người dân dị ứng với khái niệm này. Nếu không lấy lại lòng tin của người dân thì giải pháp BOT sẽ phá sản, vốn cho các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội sẽ rất khó khăn. Chưa kể nếu không truy trách nhiệm và chế tài nghiêm minh, thì nguy cơ lớn là vài năm sau sẽ lại có thêm các trạm BOT bị đặt nhầm chỗ, hay nói như Bộ GTVT là "vị trí bất hợp lý" như hiện nay.
Đã sai thì phải sửa, trạm BOT đặt nhầm chỗ thì nên trả về đúng chỗ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.