Sinh con được hưởng 2 triệu đồng
Tại buổi họp báo thông tin về dự thảo luật BHXH sửa đổi do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 16.3, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo quy định tại khoản 4 điều 31 của luật này, đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp thai sản là người lao động tham gia BHXH tự nguyện có đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Điều kiện hưởng chế độ là người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây là lao động nữ sinh con; lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con.
Ngoài ra, lao động nêu trên phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Mức trợ cấp thai sản đối với lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng/con mới sinh.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản chỉ cần bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trong trường hợp con chết cần thêm bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau sinh con mà mẹ chết; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định nêu trên.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhà nước "đài thọ"tiền đóng trợ cấp thai sản
Giải thích lý do bổ sung thêm chính sách này vào dự thảo luật BHXH sửa đổi, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, cho biết hiện lao động đóng BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, mà không được hưởng các chế độ: ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp như những người tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện không thấy các quyền lợi trước mắt, do đó chính sách BHXH hiện hành còn kém hấp dẫn.
Ông Cường cho hay: "Dự thảo luật BHXH bổ sung quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản và không phải đóng thêm tiền vào quỹ. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện".
Trả lời câu hỏi: "Vì sao không đưa chế độ ốm đau vào chính sách BHXH tự nguyện mà chỉ có chế độ thai sản ?", Phó vụ trưởng Vụ BHXH, chia sẻ: "Khác với chính sách BHXH bắt buộc có thêm phần đóng của chủ sử dụng lao động, còn chính sách BHXH tự nguyện do người lao động tự đóng. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong quá trình đánh giá, người lao động khu vực phi chính thức thu nhập không ổn định, nếu bổ sung chế độ, sẽ bổ sung trách nhiệm đóng, với mức thu nhập của người lao động để đóng để hưởng các chế độ khác sẽ khó hơn. Vì vậy, việc bổ sung thêm chế độ thai sản, nhưng không bổ sung thêm trách nhiệm đóng, người lao động không phải đóng thêm, số tiền này do ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ thêm".
Trước các ý kiến thắc mắc vì sao không tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam như một số nước đang thực hiện, ông Cường cho hay, nếu xuất tăng thêm chế độ hưởng cho lao động nam, chắc chắn không đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHXH. Bên cạnh đó, nếu tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam, doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm mức đóng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn thì không khả thi. "Hiện theo quy định, khi vợ sinh con lao động nam vẫn được nghỉ 5 - 14 ngày. Ngoài ra, theo các trường hợp khác vợ sinh gặp rủi ro, lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản như lao động nữ", ông Cường nói.
Đánh giá về tác động kinh tế, theo cơ quan soạn thảo, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sinh con dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030, ngân sách phát sinh tăng 750 tỉ đồng (bình quân mỗi năm tăng 107 tỉ đồng).
Đối với người lao động được hưởng thêm quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
Về xã hội, sẽ có tác động tích cực, góp phần giảm khoảng cách về các chế độ BHXH giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai từ năm 2008. Qua khảo sát, thống kê của BHXH một số địa phương, những người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù lao động tự do, thu nhập bấp bênh và không bền vững.
Do đó, để "kích cầu", tăng thêm số lượng người tham gia BHXH, từ năm 2018, nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh thành trích thêm ngân sách hỗ trợ lao động.
Tính đến tháng 1.2023, Số tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,427 triệu người (chiếm 3% số người trong độ tuổi lao động), tăng 3.300 người so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với 15,8 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
Bình luận (0)