|
Ngày 5.11, Quốc hội (QH) sẽ nghe và thảo luận về tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ QH về dự thảo luật Dạy nghề (sửa đổi) hay luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó, theo công văn của Văn phòng Chính phủ ngày 8.9, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, CĐ, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra và chương trình đào tạo. Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, luật Giáo dục nghề nghiệp thống nhất 2 hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp thành trung cấp, CĐ nghề và CĐ thành CĐ. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cho thấy còn nhiều bất hợp lý xung quanh dự thảo này.
Khi ông bố không hiểu con...
Theo tinh thần của dự thảo, các trường CĐ kể cả CĐ sư phạm, y tế và nghệ thuật… đều thuộc sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 4.11, ông Đàm Hoàng Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, bức xúc: “Các ngành du lịch, kinh tế, kỹ thuật thì không sao, chứ sư phạm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, gắn bó mật thiết với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân mà không được quản lý bởi Bộ GD-ĐT thì hết sức vô lý”.
Ông Phạm Mai Đào, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, so sánh: “Một ông bố không hiểu con thì sẽ làm thế nào để giúp con phát triển, phát huy thế mạnh? Một người có chuyên môn về kỹ thuật điện liệu có thể làm hiệu trưởng một trường đào tạo âm nhạc hay không?”. Theo ông Đào, nếu điều này xảy ra sẽ có nhiều trở ngại trong công tác đào tạo và định hướng. “Liệu Bộ LĐ-TB-XH có thể định hướng được cho chúng tôi phải đào tạo những gì, nâng cao chất lượng như thế nào?”, ông Đào đặt vấn đề.
Cùng một ngành, 2 bộ quản lý?
Đó là chưa kể, cùng là đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học… nhưng các trường ĐH và CĐ lại do 2 bộ khác nhau quản lý? Rồi bậc CĐ lâu nay đang được đào tạo trong các trường ĐH sẽ giải quyết như thế nào?
Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, e ngại: “Trường ĐH Sài Gòn chịu sự tác động trực tiếp và rất lớn nếu luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua. Chúng tôi đào tạo ngành đặc thù là sư phạm. Cả bậc CĐ và ĐH đều đào tạo ra giáo viên dạy tiểu học và mầm non. Nếu phải chịu sự quản lý của 2 bộ và bởi 2 luật thì sẽ rất phức tạp. Sẽ không còn sự nhất quán và liên thông về cấu trúc chương trình đào tạo. Khi một đơn vị đào tạo chịu sự chỉ đạo khác nhau, việc thực hiện sẽ rất khó khăn”. Ông Sơn nhấn mạnh, việc quản lý phải có các chuyên gia xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra giám sát… Với những ngành đặc thù như vậy, nếu không có kinh nghiệm và chuyên môn thì sẽ khó để quản lý tốt.
Phức tạp trong liên thông
Ông Phạm Mai Đào còn nhấn mạnh đến việc liên thông sẽ có nhiều khó khăn, nếu như chương trình đào tạo giữa các bộ có độ chênh. “Thật là vô lý nếu như tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai lại không thể liên thông lên ĐH Mỹ thuật TP.HCM chỉ vì chúng tôi là một trường nghề”, ông Đào bày tỏ.
Về liên thông, dự thảo luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục ĐH được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Thực tế hiện nay, việc liên thông giữa các bậc học nghề lên ĐH cũng còn nhiều hạn chế. Bộ GD-ĐT mới chỉ cho phép khoảng hơn 20 trường ĐH-CĐ tổ chức chương trình liên thông này. Như vậy để thực hiện luật Giáo dục nghề nghiệp theo như dự thảo hiện nay, hai Bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH còn phải mất rất nhiều thời gian để ngồi lại thống nhất với nhau việc liên thông này.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhấn mạnh: “Việc thiết kế chương trình đào tạo giữa các bậc học đảm bảo tính liên thông rất quan trọng. Nếu có sự tách biệt về mặt quản lý thì chương trình CĐ, trung cấp sắp tới sẽ được xây dựng như thế nào để có thể liên thông lên bậc ĐH? Nếu không có sự liên thông này thì việc tuyển sinh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Chỉ quản lý về mặt nhà nước
* Việc thống nhất một đầu mối quản lý trong đào tạo nghề đã được bàn thảo từ nhiều năm nay. Lần này, quá trình xây dựng và thẩm tra dự luật thì các ông nhận được ý kiến ra sao về vấn đề này? - Cũng có ý kiến giao cho Bộ GD-ĐT; có ý kiến thì cho rằng nên để Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Thậm chí có ý kiến cho rằng cứ để Chính phủ phân công phù hợp với hoàn cảnh cụ thể như hiện nay. Nếu nói riêng về dạy nghề thì cũng quy định Chính phủ sẽ phân công cụ thể, nhưng trên thực tế 15 năm nay thực hiện luật Dạy nghề thì Chính phủ đã phân công cụ thể cho Bộ LĐ-TB-XH và họ cũng thực hiện tốt việc đó. Bây giờ nếu thêm giáo dục chuyên nghiệp nhập vào nên mới dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau. * Thế còn ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH? - Ủy ban Thường vụ QH cũng đã thống nhất là nên giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Với lý do là thời gian qua bộ này quản lý vấn đề dạy nghề là tốt. Chúng ta muốn đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Mà lao động và việc làm lại thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH. Cũng phải thẳng thắn nói rằng trước có thời gian đã từng giao toàn bộ nhiệm vụ đào tạo cho Bộ GD-ĐT quản lý thì lĩnh vực dạy nghề đã có một thời kỳ không phát triển. Bộ GD-ĐT thì vẫn quản lý gần như toàn bộ hệ thống của giáo dục quốc dân. Từ mầm non, phổ thông, ĐH, sau ĐH. Tức là trong 8 trình độ về kỹ năng nghề nghiệp của ASEAN thì Bộ GD-ĐT sẽ quản lý 3 trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Còn CĐ, trung cấp và 3 trình độ lao động sơ cấp trở xuống sẽ do Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Như vậy sẽ trở thành một hệ thống của VN, thích hợp với hệ thống của ASEAN. * Như vậy Bộ LĐ-TB-XH sẽ quản lý hệ thống trường CĐ, trung cấp đào tạo các ngành đặc thù như sư phạm, y tế… Điều này liệu có phù hợp hay không khi mà đào tạo giáo viên gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của ngành GD-ĐT? - Tôi cho rằng chuyện đó không có gì băn khoăn cả. Trên thực tế hệ đào tạo CĐ lâu nay giao cho Bộ GD-ĐT quản lý thì có rất nhiều lĩnh vực không phải thuộc về GD-ĐT. Y tế thì do Bộ Y tế quản; nông nghiệp thì do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kinh tế thì do Bộ Thương mại, Bộ Công thương quản lý… Cái mà chúng ta phân công là quản lý về mặt nhà nước. Các cơ sở ấy còn có các cơ quan chủ quản của người ta nữa. Ví dụ, sau này hệ thống trường CĐ sư phạm thì cơ quan chủ quản vẫn là ngành GD-ĐT chứ. Ngành y cũng vậy. * Nhiều trường ĐH hiện có đào tạo hệ CĐ. Vậy khi quy về một mối thì hệ CĐ của trường ĐH sẽ do cơ quan nào quản lý? - Chúng ta sẽ thực hiện đúng luật, hệ đào tạo ĐH sẽ do Bộ GD-ĐT quản lý còn CĐ thì do Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Không có gì khó khăn phức tạp đối với cơ sở giáo dục đào tạo. Nó chỉ thay đổi đối với cơ quan quản lý ở cấp trên thôi. Hiệp hội Các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật vừa qua đã có văn bản kiến nghị nên dừng việc trình ra QH dự án luật Dạy nghề. Vậy Ủy ban Thường vụ QH đã trả lời ra sao? Có nhiều kiến nghị mà chúng tôi nhận được và chúng tôi đều xem xét, phân tích và cân nhắc kỹ mỗi kiến nghị đó. Tuy nhiên, quyết định hay không thì phải chờ vào cuối kỳ họp này. Tuệ Nguyễn (thực hiện)
|
Ý kiến Phải sửa đổi nhiều luật “Việc sửa đổi này có sự tác động, ảnh hưởng lớn lao đến toàn xã hội chứ không chỉ đối với các trường ĐH-CĐ-TCCN. Cách đây 2 năm luật Giáo dục ĐH ra đời, trong đó CĐ là một phần của giáo dục ĐH. Sắp tới chúng ta lại có phân tầng ĐH, trong đó có ĐH thực hành gắn liền với giáo dục nghề nghiệp... Nhìn chung, mọi thứ đang rất rối. Nếu luật Giáo dục nghề nghiệp này được thông qua thì phải sửa hàng loạt luật trước đó như luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH…”. Một cán bộ thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM Bất ngờ! “Nghe tin, tôi rất bất ngờ! Chúng tôi không hay biết gì cả. Một việc lớn như vậy đúng ra các trường CĐ chúng tôi phải có ý kiến. Tôi ủng hộ việc sáp nhập này, nhưng những sửa đổi có ảnh hưởng tới các trường CĐ, TCCN thì chúng tôi cần phải được biết và tham gia đóng góp ý kiến”. Ông Đàm Hoàng Long (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) |
Mỹ Quyên
>> Khó khăn trong đào tạo giáo viên theo chương trình mới
>> Không nên tiếp tục đào tạo giáo viên hệ trung cấp
>> Đào tạo giáo viên theo hệ thống mở
>> Quá tải tại trường mầm non
>> Ưu tiên đầu tư giáo dục mầm non vùng khó khăn
Bình luận (0)