Bộ LĐ-TB-XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam trả lời 'tâm thư' về tăng lương tối thiểu

17/06/2022 19:00 GMT+7

Từ ngày 1.7, chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu sẽ tiếp tục thực hiện.

Đây là hướng dẫn vừa được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH ban hành chiều nay 17.6 về việc triển khai thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Lao động qua đào tạo được trả lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu

T.Hằng

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, nhiều công đoàn cơ sở khá lúng túng trong triển khai Nghị định 38. Đặc biệt, trong nghị định không nêu mức thấp nhất trả cho lao động qua đào tạo phải cao hơn 7% lương tối thiểu vùng như các quy định trước đây, khiến công đoàn lo ngại nhiều công nhân không được tăng lương.

Tại văn bản hướng dẫn, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH cho biết, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động, công đoàn và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương và trả lương cho người lao động.

Trong đó, mức lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng.

Mức lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.

Đối với người lao động đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định.

Việc quy đổi mức lương theo tháng hoặc theo giờ này do người sử dụng lao động lựa chọn, kết quả quy đổi nhằm kiểm tra mức độ tuân thủ việc trả cho người lao động theo các hình thức so với mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định. Nghị định không yêu cầu phải thay đổi hình thức trả lương mà người sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận.

Về trách nhiệm thi hành, văn bản cũng lưu ý, tại khoản 3 điều 5 Nghị định 38 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

“Các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động”, văn bản nêu rõ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nội dung Nghị định 38 đến người lao động và các cấp công đoàn để triển khai thực hiện đúng quy định; tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật đối với người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ kịp thời công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện lao động để chủ động đề xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm xác lập các thỏa thuận về tiền lương và các điều kiện lao động khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.